Lệnh trừng phạt mới đối với Nga xuất phát từ những căng thẳng leo thang ở miền đông Ukraine trước một thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai thân Nga. Cuộc giao tranh nổ ra hôm 7/9 tại Donetsk là dấu hiệu của sự sụp đổ thỏa thuận ngừng bắn vừa mới được công bố trước đó không lâu.
Tình hình Ukraine trở nên căng thẳng khi lệnh ngừng bắn có nguy cơ bị phá vỡ. Ảnh minh họa
Nga bị cáo buộc triển khai binh lính và cung cấp vũ khí quân sự cho phe ly khai ở miền đông Ukraine tuy nhiên Moscow đã bác bỏ mọi lời cáo buộc trên.
Ngày 10/9 đã diễn ra cuộc họp khẩn cấp tại Brussels (Bỉ), 28 nước thành viên EU vẫn chưa nhất trí về thời điểm thực thi các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Tại cuộc họp, Đức đã lên tiếng yêu cầu EU áp đặt lệnh trừng phạt nhanh chóng đối với Moscow. Tuy nhiên các quốc gia khác cho rằng sẽ hoãn việc thực thi lệnh trừng phạt bởi một thỏa thuận ngừng bắn vừa được ký kết giữa chính phủ Kiev và phe ly khai.
Reuters trích dẫn tin tức từ một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, ngày 11/9 một số nhà lãnh đạo EU đã tham gia vào cuộc họp chung và quyết định áp đặt lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực vào cuối tuần này.
Do tình hình căng thẳng tại Ukraine có dấu hiệu leo thang, EU quyết định áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Ảnh minh họa
Lệnh trừng phạt dự kiến sẽ có hiệu lực chính thức kể từ ngày hôm nay 12/9. Trong đó, danh sách trừng phạt mới của EU sẽ nhằm mục tiêu tới các tập đoàn, công ty dầu mỏ Rosneft và Transneft và công ty khí đốt độc quyền nhà nước Gazprom của Nga.
Tháng trước, tập đoàn Rosneft của Nga đã phải đề nghị chính phủ nước này cho vay 42 tỷ USD do bị ảnh hưởng của lệnh trừng phạt từ phương Tây. Ngoài ra, trong danh sách trừng phạt mới sẽ mở rộng lệnh cấm cấp thị thực và đóng băng tài sản đối với một số quan chức, tổ chức Nga và phe ly khai thân Nga ở Ukraine.
Trước tình hình đó, Moscow đã đưa ra lời cảnh báo sẽ chặn các chuyến bay quốc tế bay qua không phận của Nga nếu EU áp đặt lệnh trừng phạt Nga.