(CMO) Dịch Covid-19, hạn hán, dịch tả heo châu Phi… tác động toàn diện mọi mặt kinh tế - xã hội của tỉnh. Dù biết là vô cùng khó khăn, song tỉnh quyết định không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, tiếp tục phấn đấu, phấn đấu hơn nữa, trong đó lấy các mặt hàng chủ lực làm nòng cốt để tạo đột phá từ nay đến cuối năm.
Một số chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 là tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 7%; GRDP bình quân đầu người đạt 50,8 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 14.800 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD; thu ngân sách 5.695 tỷ đồng; hộ nghèo giảm 0,5%; hộ cận nghèo giảm 0,3%…
Chủ động thích ứng
Theo đó, để đạt được các chỉ tiêu lớn trên, các ngành hàng chủ lực được xem là bước đột phá. Với ưu thế về tự nhiên Cà Mau có rất nhiều sản phẩm độc đáo, mang tính đặc thù, có giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu trong số đó đã được chọn làm mặt hàng chủ lực của nền kinh tế như con tôm, cua, cây gỗ, lúa hữu cơ. Trong đó, con tôm vẫn là ngành hàng chủ lực nhất, thị trường xuất khẩu tôm Cà Mau đang dần được mở rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 1,9 tỷ USD.
Nói riêng về con tôm, tỉnh cũng như các ngành chuyên môn và các địa phương của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế, khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững. Hiện nay, các mặt hàng thuỷ sản của tỉnh, trong đó chủ yếu là tôm, đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không chỉ vậy, hiện toàn tỉnh có hơn 29 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản với 39 nhà máy, tổng công suất đạt 185.000 tấn/năm. Từ đó, không chỉ giúp kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh những năm gần đây đều đạt trên 1 tỷ USD, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động của địa phương.
Chất lượng sản phẩm con tôm đang được nâng cao đáng kể, liên kết chuỗi giá trị từng bước được xây dựng bài bản và chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, cũng như toàn bộ các mặt hàng khác của tỉnh, con tôm đang gặp phải rất nhiều khó khăn trên đường xuất khẩu do tác động của dịch Covid-19. Một biểu hiện rất rõ là tình hình tiêu thụ thuỷ sản sụt giảm, nhiều doanh nghiệp giảm sức mua hoặc mua với giá thấp, dẫn đến giá các mặt hàng thuỷ sản đều giảm từ 20-30% so cùng kỳ. Riêng giá tôm sú nguyên liệu giảm khoảng 30%, tôm thẻ chân trắng giảm khoảng 15%. Giá giảm, người nuôi chịu ảnh hưởng lớn, nhiều hộ đang tạm treo ao để chờ giá. Từ đó, tổng sản lượng nuôi thuỷ sản đến nay ước đạt 173.500 tấn, bằng 48,2% kế hoạch; trong đó tôm 93.300 tấn, bằng 46,7% kế hoạch.
Kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm ước đạt 374,4 triệu USD, bằng 31,2% kế hoạch, giảm 12,2% so cùng kỳ; trong đó thuỷ sản ước đạt 350,6 triệu USD, đạt 30,5% kế hoạch, giảm 14,9% so cùng kỳ. Đây là những con số cho thấy rõ nhất tác động của dịch Covid-19 đối với mặt hàng thuỷ sản. Tuy nhiên, không vì thế mà bi quan, bởi theo Giám đốc Sở Công thương Cà Mau Nguyễn Văn Đô, dù hiện nay xuất khẩu rất khó khăn, nhưng nếu tuân thủ đúng nguyên tắc cơ bản trong thương mại là bán những cái thị trường cần, chứ không phải bán những gì chúng ta có, tình hình sẽ khả quan vào cuối năm.
Ông Đô khuyến cáo: “Theo nguyên tắc này, hiện nay trên thị trường đang cần mặt hàng tôm có kích cỡ nhỏ nên bà con chú ý không nên nuôi tôm cỡ lớn”. Ngoài ra, ở góc độ quản lý chuyên ngành, Sở Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan, nhất là Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao nắm bắt nhu cầu, thị trường nhập khẩu của các nước để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Cục Thuế nắm bắt tình hình khó khăn của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ kịp thời, không để các doanh nghiệp này phá sản. Một giải pháp nữa là sẽ tăng cường phát triển thị trường nội địa.
Cùng nhận định trên, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết, tôm kích cỡ càng lớn giá thành càng giảm (giảm 30%), còn tôm kích cỡ 70-80 con/kg dù có giảm nhưng ít hơn. Trước tình hình đó, sở sẽ làm việc với các địa phương có giải pháp quy hoạch lại sản xuất theo hướng linh hoạt hơn để không điều chỉnh các chỉ tiêu trên lĩnh vực nông nghiệp.
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, do dịch Covid-19 dẫn đến giá lâm sản giảm 20-30% so cùng kỳ.
Tạo nền tảng bền vững
Chất lượng sản phẩm được nâng cao đáng kể, liên kết chuỗi giá trị từng bước được xây dựng bài bản và chặt chẽ hơn, nhiều vùng nguyên liệu sản xuất các mặt hàng chủ lực vẫn được hình thành…, đó là những kết quả nổi bật sau thời gian triển khai thực hiện quyết liệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Cà Mau. Nhiều nông dân mạnh dạn áp dụng mô hình mới với các chứng nhận quốc tế, tạo điều kiện để ngành hàng chủ lực này phát triển lên bậc thang mới, cao hơn và bền vững hơn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 19.000 ha nuôi tôm bền vững có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng trên 600 ha nuôi tôm thâm canh có chứng nhận quốc tế. Bên cạnh đó, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa - tôm đặc sản an toàn tại xã Trí Lực, Trí Phải (huyện Thới Bình)... Không dừng lại ở đó, hiện toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp liên kết sản xuất tôm sinh thái (tôm hữu cơ) trên diện tích 20.000 ha. Từ đó, các sản phẩm này ngày một xâm nhập sâu rộng vào các thị trường khó tính như Mỹ và EU, mang về giá trị cao.
Tập trung liên kết trong sản xuất, khai thác triệt để lợi thế của từng vùng không chỉ là giải pháp giúp kinh tế vượt qua khó khăn thời kỳ dịch bệnh, mà đây còn là nền tảng tạo sự đột phá nhanh, mạnh trong tương lai. Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng cho biết, để khắc phục khó khăn do nắng hạn và dịch Covid-19, tinh thần chỉ đạo của huyện là tập trung khai thác phát huy tối đa thế mạnh của địa phương. Theo đó, huyện hướng dẫn bà con tranh thủ mưa để rửa mặn ở vùng quy hoạch sản xuất lúa - tôm. Song song đó, huyện liên hệ với các đơn vị cung cấp giống của tỉnh Sóc Trăng cung ứng giống lúa cao sản, chất lượng cao nhưng ngắn ngày, nhất là bộ giống ST20, ST24 và ST25. Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển kinh tế theo thế mạnh của huyện, các đơn vị chuyên môn tiến hành tìm nguồn giống tôm càng xanh để xen canh trong vụ lúa - tôm, loại vật nuôi đang có ưu thế và xu hướng phát triển mạnh.
Động thái tích cực khác từ phía các đơn vị tín dụng, cho thấy sự quyết tâm trong việc tạo điều kiện để các ngành hàng chủ lực đủ sức vượt qua khó khăn hiện tại, là việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi vay. Cụ thể, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay 121,8 tỷ đồng cho 1.401 khách hàng. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay 336,7 tỷ đồng cho 23 khách hàng...
Bên cạnh đó, ông Đô cho biết thêm, ngành công thương sẽ tập trung hoạt động xúc tiến thương mại vào hàng hoá có lợi thế xuất khẩu, nhất là ngành hàng chủ lực của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên cả thị trường trong nước và thị trường thế giới.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên lĩnh vực nông nghiệp, ông Tô Quốc Nam cho biết thêm, Sở NN&PTNT đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng theo kế hoạch tái cơ cấu các ngành hàng chủ lực của tỉnh. Hoàn thiện, nhân rộng các mô hình sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp hiệu quả; hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất theo liên kết chuỗi. Đưa vào ứng dụng phần mềm quản lý sản xuất nông nghiệp; xúc tiến nhanh dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý tôm sú Cà Mau./.