XK gỗ và sản phẩm từ gỗ hiện khá thuận lợi với mức tăng trưởng khoảng 10-15%/năm. Ảnh: Nguyễn Thanh Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT): Năm 2018, ngành lâm nghiệp phấn đấu kim ngạch XK đồ gỗ và lâm sản đạt 9 tỷ USD trở lên. Để đạt mục tiêu này cũng như các năm tiếp theo, ngành lâm nghiệp đã đề ra nhiều nhóm giải pháp.
Thứ nhất là nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách: Sẽ hoàn thiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (4 Nghị định, 7 Thông tư) hướng dẫn Luật Lâm nghiệp năm 2017; đồng thời sẽ kiến nghị Bộ NN&PTTN và các ngành sửa đổi một số cơ chế, chính sách.
Nhóm giải pháp thứ hai là phát triển nguồn nguyên liệu. Để đạt kim ngạch XK đồ gỗ và lâm sản 9 tỷ USD cần khoảng 34 triệu m3gỗ nguyên liệu gồm: Gỗ khai thác rừng trồng tập trung khoảng 18-19 triệu m3, gỗ nhập khẩu khoảng 9 triệu m3, còn lại là gỗ cao su và gỗ rừng trồng phân tán 6 triệu m3.
Bên cạnh việc NK gỗ nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp, Tổng cục Lâm nghiệp xác định sẽ thúc đẩy, khuyến khích thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, từng bước cung cấp gỗ nguyên liệu có chứng chỉ cho hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ cho XK.
Nhóm giải pháp thứ ba là về chống gian lận thương mại. "Hiện chính sách thuế của chúng ta rất thông thoáng với các mức áp dụng cho NK gỗ nguyên liệu là 0%, XK gỗ thô, gỗ xẻ là 5-25%. Tuy vậy, một số DN làm ăn không chân chính đã hạ giá XK một số mặt hàng gỗ tròn, gỗ xẻ để nộp thuế ít đi. Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị thực hiện việc chống gian lận giá XK theo quy định tại Nghị định số 10/2018 ngày 15/1/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương”, ông Trị nói.
Liên quan tới vấn đề thị trường XK, theo ông Trị, quan điểm là giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống XK đồ gỗ như: Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ thường xuyên làm việc với các hiệp hội, DN để nắm bắt kịp thời các khó khăn để tham mưu Bộ NN&PTNT hỗ trợ, tháo gỡ cho DN XK.
Nhóm giải pháp thứ tư được triển khai là tăng cường truyền thông, thông tin cơ chế chính sách của các nước để DN biết thực hiện, đồng thời tăng cường hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm.
Theo Bộ NN&PTNT, ước giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm đạt 1,34 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường NK gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1, chiếm 77,8% tổng giá trị XK. Các thị trường có giá trị XK gỗ tăng mạnh là Hàn Quốc (49,4%), Trung Quốc (44,5%), Nhật Bản (35,6%) và Hoa Kỳ (29,3%). |