Theo Tổ chức Y tế thế giới, hơn 40% dân số toàn cầu có nguy cơ mắc sốt xuất huyết (SXH), 75% ca mắc ghi nhận tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tập trung ở các nước Đông Nam Á. Việc các nước ASEAN lấy ngày 15-6 hàng năm là “Ngày ASEAN phòng chống SXH” thể hiện quyết tâm của Cộng đồng ASEAN trong phòng chống dịch bệnh này. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà (bên phải), Phó Giám đốc Sở Y tế kiểm tra và hướng dẫn người dân ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An cách diệt lăng quăng phòng chống dịch bệnh. Ảnh: H.THUẬN Những con số... Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 bệnh nhân bị bệnh này. Bình Dương là một trong những vùng trọng điểm về dịch bệnh của khu vực miền Nam. Chính vì vậy, không dừng lại ở những khẩu hiệu, việc tuyên chiến với nguyên nhân gây bệnh đã biến thành những hành động cụ thể. Năm 2015, Bình Dương có gần 6.000 người mắc bệnh SXH, năm 2016 tuy có giảm xuống còn 3.964 trường hợp mắc bệnh nhưng vẫn có số ca mắc cao. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm 2017 đến hết tháng 4, trên địa bàn tỉnh đã có 1.051 người mắc SXH. Bệnh SXH xảy ra tại tất cả các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh; trong đó những địa phương có số ca mắc tập trung ở TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một và TX.Bến Cát. Riêng địa bàn TX.Thuận An, tính từ đầu năm đến hết tháng 4 đã ghi nhận 342 ca mắc SXH, tăng 83 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Thực tế qua các đợt kiểm tra, giám sát, chúng tôi nhận thấy hầu hết người dân đều có kiến thức về phòng chống dịch bệnh SXH, nhưng ý thức, hành vi phòng chống dịch bệnh SXH của một bộ phận người dân còn hạn chế. Một số hộ dân chưa có ý thức, hành vi tự giác thực hiện các hoạt động giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân, ngủ màn, đổ bỏ các vật dụng phế thải chứa nước. Do đó, các ổ chứa lăng quăng trên địa bàn còn rất nhiều và bệnh SXH vẫn còn gia tăng dù ngành y tế đã cố gắng triển khai các hoạt động phòng chống SXH. Và đây cũng là yếu tố rất quan trọng, góp phần làm gia tăng tỷ lệ lây nhiễm SXH trong cộng đồng”. Theo nhận định của ngành y tế, diễn biến theo chu kỳ của dịch SXH, thời tiết thất thường, ổ chứa lăng quăng đa dạng, phong phú và ý thức một bộ phận người dân, nhất là lao động ngoài tỉnh về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế là những yếu tố nguy cơ gia tăng bệnh SXH và nguy cơ bùng phát dịch SXH có thể sẽ xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác phòng chống bệnh Nhằm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH năm 2017, Sở Y tế vừa chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Bệnh viện Đa khoa Cao su Dầu Tiếng và các cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn tỉnh khẩn trương tham mưu xây dựng và triển khai kế hoạch tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH, Zika và tay chân miệng tại địa phương. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tham mưu lãnh đạo địa phương huy động chính quyền, ban ngành, đoàn thể và người dân tích cực triển khai các hoạt động thiết thực phòng chống các bệnh trên, đặc biệt là trong tháng cao điểm (tháng 5 và 6-2017) nhằm hướng tới Ngày ASEAN phòng chống SXH lần thứ 7 (ngày 15-6-2017). Song song đó, cần tăng cường truyền thông, quảng bá các hoạt động phòng chống bệnh, bệnh do vi rút Zika, bệnh tay chân miệng đang được triển khai tại địa phương đến người dân bằng nhiều hình thức nhằm thu hút sự quan tâm, ủng hộ của dư luận, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và cộng đồng… Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh và các biện pháp phòng tránh; vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch liệt lăng quăng trên địa bàn; giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đổ, hủy các vật dụng phế thải chứa nước; súc rửa bình hoa, lu khạp chứa nước thường xuyên; ngủ màn, sử dụng các biện pháp diệt muỗi truyền thống và bằng các hóa chất như nhang muỗi, bình xịt muỗi... “Có thể thấy rằng, việc phòng bệnh SXH nói riêng, các bệnh truyền nhiễm nói chung là hết sức quan trọng. Vì thế, ngành y tế từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh như tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tổ chức chiến dịch; phun hóa chất diệt muỗi diện rộng; chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, tổ chức trực cấp cứu, điều trị kịp thời, hiệu quả cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, về công tác giám sát, ngành cũng đã tổ chức giám sát từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã và thôn, ấp theo quy định. Đặc biệt, tại các vùng trọng điểm, chúng tôi vừa triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường như khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, đổ bỏ các vật dụng phế thải chứa nước; vừa tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh…”, bác sĩ Hà cho biết thêm. HUỲNH THỦY |