Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách và quản lý Thuế,ínhsáchquảnlýthuếhảiquanlogisticsHoànthiệnđểphùhợpthựctiễltdbd nha Hải quan, Logistics”, do Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) tổ chức ngày 12/11, tại Hà Nội.
Khó khăn quản lý thuế các doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan cho biết, thuế nội địa và thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hai lĩnh vực chủ yếu của thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, một trong những lĩnh vực hoạt động kinh tế rất quan trọng là logistics, chiếm một tỷ lệ khá lớn trong GDP. Điều này cho thấy, nghiên cứu về chính sách thuế, hải quan và logistics cũng như công tác quản lý đối với những lĩnh vực này có ý nghĩa rất quan trọng.
Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, công tác quản lý thuế, hải quan và quản trị logistics ở các doanh nghiệp (DN) cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, cần được nghiên cứu cải tiến thường xuyên cho phù hợp với điều kiện thực tiễn để nâng cao hiệu quả quản lý.
Chia sẻ chính sách pháp luật về quản lý thuế các DN có giao dịch liên kết (GDLK), TS. Nguyễn Đình Chiến – Khoa Thuế và Hải quan cho biết, ở Việt Nam, thời gian qua, hoạt động quản lý thuế đã đạt được nhiều kết của đáng khích lệ. Tuy nhiên, hoạt động quản lý thuế đối với các GDLK vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Hoạt động chuyển giá vẫn chưa được đẩy lùi, đang diễn ra ngày càng tinh vi với mức độ ngày càng lớn, số DN có GDLK được thanh tra còn ít so với thực tế.
Chỉ ra những nguyên nhân, Theo TS. Nguyễn Đình Chiến, các quy định của pháp luật về quản lý thuế đối với các DN có GDLK mặc dù đã được quy định khá đầy đủ nhưng trên thực tế thực hiện vẫn còn những vướng mắc nhất định, gây khó khăn, tranh chấp trong quá trình thực thi. Trong đó, việc lựa chọn các đơn vị độc lập để tiến hành so sánh theo lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để phân tích, xác định khoảng giao dịch độc lập còn quy định chung chung theo thứ tự ưu tiên, còn việc chọn như thế nào, số lượng bao nhiêu, dựa trên cơ sở nào, khi nào thì phải chuyển sang đối tượng khác… vẫn chưa rõ.
TS. Nguyễn Đình Chiến tham luận tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt. |
Để quản lý có hiệu quả hơn các DN có GDLK, kiểm soát và hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua GDLK của các DN ở Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Chiến cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý thuế đối với các DN có GDLK. Trong đó, cần có quy định chi tiết và các hướng dẫn rõ ràng hơn về các phương pháp xác định giá GDLK theo các trường hợp cụ thể, để DN cũng như cơ quan thuế có thể vận dụng đầy đủ, chính xác trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý thuế đối với các DN có GDLK; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ hơn, phục vụ cho quản lý thuế đối với các DN có GDLK; thúc đẩy quá trình triển khái áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) ở Việt Nam; nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra giá chuyển nhượng tại các DN có GDLK. Ngành Thuế cần tăng cường nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức thuế cũng như quy trình, nghiệp vụ thực thi một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng đảm bảo khoa học, chặt chẽ, kịp thời.
Bên cạnh đó, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ giúp công chức thuế và người nộp thuế có thể dễ dàng tiếp cận và nhanh chóng nắm bắt được các nội dung liên quan đến quản lý thuế các GDLK; có cơ chế kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong quản lý thuế đối với các DN có GDLK.
Thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp
Nói về thực trạng chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN thời gian qua, TS. Nguyễn Thị Minh Hằng - Khoa Thuế và Hải quan cho hay, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), có đến 11% hộ kinh doanh hiện nay thuộc diện phải chuyển đổi thành DN, tức là sử dụng lao động thường xuyên từ 10 người trở lên, nhưng chỉ có 5,6% hộ kinh doanh dự kiến sẽ chuyển đổi, còn lại vẫn chọn mô hình kinh doanh hộ gia đình.
Ví như, từ năm 2016 đến 2019, TP. Hà Nội có 100.850 DN thành lập mới. Chỉ tính riêng năm 2019, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký DN cho 27.114 đơn vị thành lập mới, tuy nhiên, chỉ có 48 DN mới được chuyển đổi từ mô hình hộ kinh doanh cũ. Trong khi, theo thống kê, Hà Nội có tới 300 nghìn hộ kinh doanh, nhưng hầu hết đều ngại chuyển đổi. Việc các hộ kinh doanh không chuyển đổi thành DN đã gây ra nhiều bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, cũng như dựng nhiều rào cản trong quá trình phát triển.
TS. Nguyễn Thị Minh Hằng phát biểu. Ảnh: Đức Việt. |
TS. Nguyễn Thị Minh Hằng cho biết, rào cản lớn nhất hiện nay nằm ở chính bản thân các hộ kinh doanh còn tâm lý lo ngại khi chuyển lên DN. Họ cho rằng, với mô hình DN sẽ phải thực hiện các vấn đề như mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính, lưu giữ hóa đơn, sổ sách…
Bên cạnh đó, khi chuyển đổi thành DN thì còn phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính phức tạp hơn so với hộ kinh doanh như bảo hiểm, lao động, phòng cháy chữa cháy… chính những thủ tục này sẽ làm gia tăng chi phí, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh có quy mô lớn và kiểm soát chặt chẽ hơn doanh thu tính thuế của hộ kinh doanh, theo TS. Nguyễn Thị Minh Hằng, cần mở rộng các điều kiện buộc các hộ kinh doanh cá thể quy mô lớn chuyển lên thành DN; cần có quy định kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn của hộ kinh doanh; đơn giản hóa chế độ kế toán đối với DN nhỏ hoặc siêu nhỏ bằng cách áp dụng chế độ kế toán tiền mặt đối với loại hình DN này.
Ngoài ra, có những ưu đãi thuế, ưu đãi về tiếp cận vốn ngân hàng đối với DN nhỏ và siêu nhỏ; hỗ trợ về đào tạo kiến thức pháp luật, ghi chép sổ sách kế toán và quản trị kinh doanh cho các hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia thảo luận về chính sách và quản lý thuế, hải quan trong điều kiện kinh tế số, kinh tế chia sẻ; hỗ trợ DN trong điều kiện dịch Covid-19; công tác quản lý thuế thu ngân sách nhà nước trong dịch Covid-19; chính sách nhà nước trong quản lý và tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics…./.
Đức Việt