Năm 2025, Hậu Giang phấn đấu có thêm 12.334ha vùng lúa chất lượng cao.mp3
(HG) - Thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án) theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp cùng với người dân trong tỉnh triển khai thực hiện được khoảng 15.666ha vùng lúa chất lượng cao theo quy trình Đề án đề ra. Tuy nhiên, để đảm bảo đạt chỉ tiêu theo kế hoạch của tỉnh là đến cuối năm 2025, Hậu Giang phấn đấu có 28.000ha vùng lúa chất lượng cao thì từ vụ Đông xuân 2024-2025 đang canh tác và 2 vụ lúa còn lại của năm 2025 là Hè thu và Thu đông, ngành nông nghiệp và người dân trong tỉnh cần tiếp tục triển khai thêm ít nhất 12.334ha.
Tại các vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo Đề án của Bộ NN&PTNT thì nông dân Hậu Giang chỉ gieo sạ lượng lúa giống từ 80-100kg/ha.
Ngoài nỗ lực đạt diện tích theo kế hoạch đề ra thì tại các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp; ngành nông nghiệp đẩy mạnh khuyến cáo người dân giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống còn 80-100 kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, đồng thời 100% diện tích áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, SRP, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận, được cấp mã số vùng trồng.
Về tổ chức lại sản xuất, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích. Đối với việc thực hiện bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh thì vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp phải đảm bảo có 70% rơm được thu gom ra khỏi ruộng và được chế biến tái sử dụng, qua đây giúp giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%. Về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%. Xây dựng thương hiệu và xuất khẩu, lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp đạt trên 20% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
HỮU PHƯỚC