Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải- Lê Đình Thọ chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương tại điểm cầu của bộ Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc và đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Bộ Chính trị khoá XIII cũng ra 6 Nghị quyết về phát triển vùng, xác định phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có đường bộ cao tốc. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã có những chương trình hành động, đưa ra mục tiêu cả nước phấn đấu đạt trên 3.000km đường cao tốc đến năm 2025. "Đây là nhiệm vụ hết sức to lớn, bởi đến năm 2020, sau gần 20 năm triển khai, mới có 1.163km đường cao tốc được hoàn thành đưa vào sử dụng. Như vậy, trong nhiệm kỳ 2020-2025 phải xây dựng hoàn thành gần 2.000km đường cao tốc", Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết. Thời gian vừa qua, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương với nhiều chủ trương, chính sách, đến nay, đã đạt được tiến độ và kế hoạch đề ra. Điển hình là phân cấp, phân quyền cho các địa phương để quản lý đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc, từ đó phát huy nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, gắn với trách nhiệm trong triển khai. Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đã triển khai 11 dự án, đưa vào khai thác 6 dự án, trong đó có 1 dự án PPP, 5 dự án còn lại thì 3 dự án phải hoàn thành trong năm 2023, 2 dự án hoàn thành trong năm 2024. Đặc biệt, tháng 6 này, theo chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch đề ra, nhiều dự án phân cấp cho địa phương sẽ tổ chức khởi công, xây dựng như Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề; Đồng Nai - Vũng Tàu; Nha Trang - Buôn Ma Thuột; Khu vực phía Bắc có tuyến Tuyên Quang - Hà Giang; Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, thực hiện các Nghị quyết đại hội Đảng về phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có đường bộ cao tốc, từ năm 2020 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các đường cao tốc và đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng thêm 566km (trong đó có 166km do các địa phương đầu tư hoặc là cơ quan chủ quản), nâng tổng số đường cao tốc của nước ta đến nay lên 1.729km. Như vậy, chỉ trong 3 năm đã hoàn thành bằng 1/2 số kilomet đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước đây. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc, trong 3 năm tới phải nỗ lực triển khai thực hiện khoảng 1.300km. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An - Đặng Hoàng Tuấn chủ trì tại điểm cầu của tỉnh Để đạt được mục tiêu đó, trong năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư của 6 dự án đường cao tốc (cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng , Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Hà Nội) với tổng chiều dài khoảng 1.300km, tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỉ đồng, trong đó có khoảng 500km giao cho các địa phương triển khai. Tại hội nghị, một số đơn vị, địa phương đã có tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thiết kế, dự toán; công tác lập dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật; công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn và công tác điều tra mỏ vật liệu xây dựng; kinh nghiệm trong công tác quản lý dự án; công tác tổ chức khảo sát thiết kế, làm việc với địa phương về vật liệu xây dựng, công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán. Các khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện dự án, các khu tái định cư, quản lý giá vật liệu xây dựng.../. Lê Đức |