(CMO) Làm việc với tập thể Ban Thường vụ Huyện uỷ và lãnh đạo các xã, thị trấn vào chiều 13/7 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý địa phương: Khi hệ thống hạ tầng giao thông được mở rộng, mang tính kết nối thì cần có giải pháp, định hướng phát triển mang tầm nhìn chiến lược, phát huy lợi thế, ưu tiên cho kinh tế biển, phát triển đô thị, nhất là tại thị trấn Sông Đốc và xã Khánh Bình Tây. Cùng dự buổi làm việc có Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử.Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh việc triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, gia tăng thu nhập cho người dân. 6 tháng đầu năm, huyện có 11/16 chỉ tiêu đạt từ 50% trở lên, như: Sản lượng lúa, sản lượng thuỷ sản, thu ngân sách, giải quyết việc làm. Đến thời điểm này, vụ lúa hè thu đã xuống giống dứt điểm được 28.954 ha, đạt 100% kế hoạch. Lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản ổn định. Các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn duy trì được năng suất, chất lượng. Huyện có 1.889 tàu khai thác thuỷ sản, 100% tàu thuộc diện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Toàn huyện có 1.889 tàu khai thác thủy sản, 961 thuộc diện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, đạt 100%. Tỷ lệ giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia của huyện đến nay đạt 39,29%. Huyện hiện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện có diện tích sản xuất lúa 2 vụ và trồng 1 vụ màu khoảng 240 ha. Qua vụ mùa năm nay, hai xã Khánh Bình Đông và Trần Hợi đã tổ chức đánh giá, cho thấy trồng 1 vụ màu đạt tổng thu nhập khoảng 70 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha. 2 mô hình được đánh giá là có hiệu quả và sẽ tiếp tục khuyến cáo nhân rộng ở các năm tiếp theo. Trên địa bàn đang triển khai mô hình vùng chuyển dịch, sản xuất lúa hữu cơ 33,3 ha tại xã Khánh Bình Đông (theo tiêu chuẩn Châu Âu), năng suất 3,5 tấn/ha, giá cao hơn bên ngoài 2.300 đồng/kg, lợi nhuận tăng thêm 16,6 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nông dân trong vùng dự án còn tăng thêm thu nhập từ tôm càng xanh và cua nuôi, bình quân 15-20 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá cao sự vào cuộc, trách nhiệm của các địa phương trong thi đua thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ tịch UBND huyện Trần Tấn Công cho biết, trước diễn biến thời tiết được dự báo ngày càng phức tạp, huyện đang tập trung công tác chỉ đạo sản xuất, nhất là việc hướng dẫn nông dân chăm sóc tốt vụ lúa hè thu, làm tốt công tác ngăn mặn, chống tràn; mở rộng sản xuất lúa - tôm theo kế hoạch đột phá năm 2023, hiện nay vận động người dân rửa mặn, cải tạo đất chuẩn bị cho sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất lúa kém hiệu quả tại ấp Thời Hưng và khu vực lân cận (Đá Bạc), xã Khánh Bình Tây, theo hướng sản xuất lúa hữu cơ kết hợp cây ăn trái để phục vụ du lịch nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập người dân khu vực này. Mô hình sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu tại xã Khánh Bình Đông và xã Trần Hợi mang lại hiệu quả khá cao, địa phương đang đánh giá tính hiệu quả để nhân rộng. Trước buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình thực hiện IUU, xây dựng hạ tầng tại thị trấn Sông Đốc; các mô hình sản xuất tại xã Khánh Hải, xã Khánh Bình Tây. Ảnh: Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (bìa phải) khảo sát mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng tại hộ ông Huỳnh Buôl (ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây). Nêu những khó khăn địa phương đang gặp phải, Chủ tịch UBND huyện dẫn chứng: Một số dự án phát triển sản xuất (trồng lúa) được phân bổ từ nguồn vốn hỗ trợ cây lúa nước có tiến độ giải ngân còn chậm do phụ thuộc vào thời vụ sản xuất; dự báo khả năng lượng mưa trung bình năm nay thấp hơn nhiều năm, mùa mưa kết thúc sớm sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, chỉ tiêu và năng suất lúa trên cả hai vùng sản xuất (ngọt, mặn). Công tác quản lý sử dụng đất chưa chặt chẽ, vi phạm còn nhiều, xử lý hiệu quả thấp; việc sử dụng đất không đúng quy hoạch, không đúng mục đích được phê duyệt, lấn, chiếm hành lang, lộ giới còn xảy ra; xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị chưa đạt theo kế hoạch, nguồn kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu… Trên địa bàn huyện hiện có 3 cụm dân cư (Cụm dân cư vàm Kênh Tư, xã Khánh Hải; Cụm dân cư vàm kênh Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc; Cụm dân cư vàm kênh Ba Tỉnh, xã Khánh Bình Tây Bắc), diện tích 49,4 ha, bố trí tái định cư cho 861 hộ, tổng mức đầu tư trên 72,7 tỷ đồng, hiện chưa được hoàn thiện, ảnh hưởng đến bố trí dân cư, đời sống xã hội. Ông Võ Quốc Thống, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Sông Đốc, cho biết đô thị trên địa bàn thị trấn biển đang phát triển rất nhanh, tới đây khi cầu sông Ông Đốc hoàn thành sẽ còn bức phá nhanh hơn nữa, kéo theo phát sinh nhiều vấn đề liên quan trên lĩnh vực đất đai, môi trường, nhất là trong trật tự xây dựng, nhà ở dân cư, hạ tầng giao thông. Theo đó, địa phương cần có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhanh, ổn định và bền vững, xứng đáng là đô thị động lực của tỉnh mang nét đặc trưng, hiện đại đô thị miền biển.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng công tác quản lý đất đai đã qua trên địa bàn chưa chặt chẽ, dẫn đến mất cơ hội trong thu hút đầu tư nhiều dự án lớn, quan trọng; vấn đề này cần khắc phục, có lộ trình, làm thật chặt chẽ. Về sản xuất, huyện cần quan tâm đến việc trữ ngọt ứng phó thiên tai, phát huy vùng đất lúa - tôm. Trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giám sát chặt chẽ, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi. Riêng đối với thị trấn Sông Đốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhận định thị trấn xuất hiện nhiều lợi thế mới, cần tạo đột phá nhằm thu hút đầu tư. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (thứ 3 từ phải sang) trao đổi với các ngành chuyên môn và lãnh đạo địa phương về tiến độ các dự án nhà ở đô thị tại thị trấn Sông Đốc. Như một Cà Mau thu nhỏ, huyện Trần Văn Thời có 2 hệ sinh thái mang tính đặc trưng của tỉnh, có tuyến biên giới biển và hải đảo, là vùng trồng lúa lớn nhất của tỉnh… Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cho rằng đây là địa phương trọng điểm, tác động lớn đến tình hình phát triển chung của tỉnh và cần có những cách làm hay, mô hình tốt để nhân rộng. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ những tồn tại trên địa bàn huyện, đó là quy hoạch chậm và quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ, dẫn đến xảy ra nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý đất công, môi trường. Nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả chưa nhiều; kinh tế tập thể nhằm tạo ra hàng hóa lớn, gia tăng cạnh tranh thị trường chưa được phát huy; chưa phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới… Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, xác định kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, huyện cần quy hoạch và tổ chức sản xuất một cách hiệu quả, hiện đại, có vùng nuôi, nâng tầm giá trị và đa dạng sản phẩm, tạo thương hiệu gia tăng cạnh tranh trên thị trường, nhất là những sản phẩm mang tính đặc trưng như lúa gạo, khô bổi… Trong khai thác hải sản cần có sự liên kết sản xuất, tạo ra những đội tàu lớn, đủ mạnh vươn khơi, giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra, an toàn khai thác, nhất là việc chấp hành theo IUU. Với đội tàu khai thác ven bờ, cần có lộ trình, từng bước chuyển đổi nghề./.
Trần Nguyên - Hoàng Vũ
|