(CMO) Vùng ngọt hoá Tiểu vùng III - Bắc Cà Mau sản xuất theo hệ sinh thái ngọt khoảng 50.000 ha, trong đó diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái khoảng 23.510 ha, là đầu mối nông sản của vùng. Giữa vùng nước ngọt quanh năm, hết vụ lúa lại nối tiếp vụ màu, vòng xoay sản xuất này giúp người dân huyện Trần Văn Thời vững tin sản xuất hoa màu trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 để phòng, chống dịch Covid-19, về vùng ngọt hoá thuộc miệt Trần Hợi, Khánh Bình Tây, Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời), thấy rau màu đang phát triển mạnh. Nhờ sản xuất theo hình thức đa cây, con nên nguồn thu nhập của nông dân cũng ổn định hơn, nếu lúa mất giá thì cũng còn rau màu bù lại, không bị thua lỗ.
Ðưa phóng viên ra ruộng lúa vừa thu hoạch, ông Nguyễn Minh Hải, ở ấp Kinh Ðứng B, xã Khánh Hưng, phấn khởi: "Vừa cắt xong vụ lúa, thu được vài trăm giạ, tôi tranh thủ thời gian, xới liếp trồng màu với vài ngàn dây mướp, khổ qua tây…, mỗi ngày thu hoạch hàng trăm ký, kiếm thêm vài chục triệu đồng mỗi vụ. Nhờ thực hiện đa canh mà mỗi năm tôi thu lợi từ lúa, hoa màu khoảng 180 triệu đồng”.
Mô hình trồng màu của ông Huỳnh Chí Thiện ở ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi và mô hình trồng chanh dây của bà Nguyễn Thị Thắm (Ấp 1, xã Trần Hợi) cũng đang tiếp vụ… Màu xanh nối tiếp màu xanh, tạo ra vùng nguyên liệu nông sản sạch cung ứng khắp vùng. Ðúng là chỉ có người phụ đất, chứ đất không bao giờ phụ lòng người biết tận dụng tiềm năng của đất để vươn lên./.
Huỳnh Lâm thực hiện
|