Là vùng sản xuất,Đẩymạnhkếtnốitiuthụnngthủysảkqbd brazil b chế biến và xuất khẩu nông, thủy sản chủ lực của cả nước, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại khiến việc tiêu thụ nông, thủy sản của nông dân gặp khó khăn. Giải quyết vấn đề này, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng các ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp, HTX... tăng cường kết nối để thu mua nông, thủy sản cho bà con.
Giá cá tra ở ĐBSCL thấp và tiêu thụ chậm khiến người nuôi khó khăn. Ảnh: H.TÂN
Giá giảm và khó tiêu thụ
Mặc dù cá tra là lĩnh vực thế mạnh của nhiều tỉnh ở ĐBSCL nhưng do tác động của dịch Covid-19 kéo dài khiến người nuôi và doanh nghiệp gặp khó. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp), cho hay: “Các xã viên của HTX vừa xuất bán hơn 1.000 tấn cá tra nguyên liệu với giá chỉ 21.500 đồng/kg, tính ra từ hòa tới lỗ. Dù tình hình rất khó nhưng bán được cá tra lúc này đã là may mắn, chứ rất nhiều hộ đang ôm cá tra quá lứa nhưng không bán được dù giá thấp. Nguyên nhân do thương lái và nhà máy rất ít thu mua”.
Ông Bình kể, tỉnh Đồng Tháp là nơi có diện tích nuôi và xuất khẩu cá tra thuộc dạng nhiều nhất vùng ĐBSCL. Thế nhưng, do ảnh hưởng dịch Covid-19 phức tạp và kéo dài khiến nhiều nhà máy ngừng hoạt động. Toàn tỉnh chỉ còn 2 công ty duy trì chế biến “3 tại chỗ”, nhưng cũng giảm công nhân làm việc và giảm công suất hoạt động; vì vậy không thể thu mua kịp lượng cá tra trong dân khá nhiều. “Cá tra sụt giảm, khó bán, trong khi thức ăn tăng cao; ngoài ra thời gian nuôi kéo dài 12-14 tháng/vụ, khiến chi phí giá thành đẩy lên cao và người nuôi chịu trận…”, ông Bình than.
Cùng cảnh ngộ trên, khá nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL cũng rầu lo vì giá thấp và tiêu thụ chậm. Ông Lê Văn Tính, ở huyện Chợ Mới (An Giang), cho hay: “Do rất nhiều yếu tố bất lợi nên giá thành nuôi cá tra dao động từ 22.000-23.000 đồng/kg trở lên. Tuy nhiên, giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức thấp đã rất lâu rồi, nay cộng thêm dịch Covid-19 kéo dài làm cho hàng loạt nhà máy phải tạm ngưng hoạt động, hoặc giảm công suất chế biến; vì vậy các doanh nghiệp hạn chế thu mua vào. Nông dân không bán được cá, khiến cá càng lâu, càng quá lứa và tốn thêm chi phí thức ăn. Tình hình này nếu không sớm khắc phục thì người nuôi cá sẽ lỗ nặng”.
Các HTX nuôi cá tra ở ĐBSCL cho rằng, thông thường thời điểm quý III và quý IV là giai đoạn gia tăng chế biến, xuất khẩu cá tra ra thế giới, phục vụ nhu cầu tiêu thụ lễ Noel, Tết Dương lịch… Do đó, rất mong ngành chức năng khẩn trương hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất “3 tại chỗ” càng nhiều càng tốt để sớm thu mua cá nguyên liệu trong dân; đồng thời gia tăng xuất khẩu đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành cá tra.
Đối với con tôm cũng tương tự, khi giá liên tục sụt giảm từ 6.000-15.000 đồng/kg tùy loại, so với thời điểm tháng 6-2021. Nguyên nhân chủ yếu cũng do giãn cách xã hội, thương lái đi lại khó khăn nên hạn chế thu mua; trong khi nhiều nhà máy cũng tạm ngưng do không đảm bảo phương án sản xuất an toàn; còn số lượng nhà máy “3 tại chỗ” thì không nhiều.
Theo Bộ NN&PTNT, ở khu vực Nam bộ có 449 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu. Hiện số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực này tạm dừng sản xuất là 176 cơ sở. Như vậy, còn 273/449 cơ sở tại 19 tỉnh tiếp tục sản xuất, chiếm 60%. Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Nhìn chung, các doanh nghiệp hết sức cố gắng để duy trì sản xuất nhưng do giãn cách kéo dài nên càng khó khăn, kéo theo khó cho toàn chuỗi. Xuất khẩu thủy sản đã giảm mạnh vào nửa cuối tháng 7 và tháng 8-2021.
Theo Sở Công thương Hậu Giang, hiện tại tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, không chỉ trong địa bàn tỉnh mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, thực hiện thêm một số biện pháp nâng cao để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Do đó, mặc dù các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất nhưng nhìn chung chỉ ở mức cầm chừng, các nhà máy sẽ không hoạt động được hết công suất do thiếu lực lượng lao động và nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, kèm thêm việc vận chuyển nguyên liệu gặp nhiều khó khăn so với thời điểm trước dịch bệnh làm ảnh hưởng đến năng suất chế biến của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp chế biến thủy sản.
Đối với việc kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vận tải tại các chốt liên ấp, liên xã, liên huyện… làm cho thương lái thu mua tôm thương phẩm khó tiếp cận. Một số nơi không có thương lái thu mua, rồi việc vận chuyển giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn, nhiều nơi không đến được điểm nuôi hoặc công nhân tham gia thu hoạch nông sản liên vùng, liên tỉnh phải thực hiện cách ly sau khi thu hoạch 14 ngày theo quy định đã làm chậm tiến độ thu hoạch... Nếu tình trạng này không được cải thiện thì nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất thủy sản là rất lớn và thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu trong các tháng cuối năm.
Nỗ lực tháo gỡ
Thời gian qua, Tổ công tác 970 (của Bộ NN&PTNT) đã chỉ đạo các Sở NN&PTNT, cùng các đơn vị chức năng của Bộ thực hiện nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình giãn cách xã hội.
Thực hiện kết nối trên 1.400 đầu mối là các doanh nghiệp, HTX ở ĐBSCL, Đông Nam bộ… nhằm cung ứng hàng hóa nông sản theo yêu cầu của người dân Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương thông qua túi đặt hàng combo. Đã tổ chức vận hành trang website kết nối cung cầu sản phẩm tại địa chỉ https://htx.cooplink.com.vn nhằm đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại và thông tin sản phẩm cần mua và cần bán trên website. Kết quả kết nối cung cầu hiện tại tiêu thụ thành công với sản lượng 300-400 tấn/ngày, cao điểm có ngày trên 1.000 tấn nông sản. Dự báo, lượng hàng hóa được tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng nhanh khi tiểu thương các chợ đầu mối lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh được hoạt động trở lại.
Nỗ lực là vậy, song tình hình chung vẫn còn khó khăn. Theo đó, về chăn nuôi do nhu cầu giảm, lưu thông hàng hóa còn khó khăn nên sản phẩm thịt gà công nghiệp lông trắng quá lứa, quá thời gian nuôi ứ đọng dẫn đến thiếu chuồng trại để tái đàn. Đặc biệt là việc chăn nuôi nông hộ giảm nhiều, do tâm lý của người chăn nuôi chưa xác định được khi nào thì dịch bệnh được kiểm soát, cộng với rớt giá sản phẩm, giá thức ăn tăng cao… Điều này có thể dẫn đến khan hiếm cục bộ sản phẩm chăn nuôi trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Đối với sản xuất thủy sản do không đủ nhân lực tham gia chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển sản phẩm. Bởi người lao động không hoặc khó di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác để thu hoạch sản phẩm, vì vậy làm tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Thời gian qua, Hậu Giang đã kết nối tiêu thụ được 1.772 tấn nông sản các loại; 175 tấn gạo, 350.000 trứng tươi, hơn 39 tấn sản phẩm từ cá. Hiện tại, Hậu Giang tồn đọng hơn 6.500 tấn nông, thủy sản. Trong đó, nhiều nhất là lượng cá tra và cá thát lát do cơ sở sản xuất nhỏ, không tập trung; các cơ sở chế biến đóng cửa nên khâu tiêu thụ khó. Để giải quyết, tỉnh đã thành lập các tổ thu gom, đường dây nóng, hỗ trợ kịp thời, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Trước tình hình trên, Tổ công tác 970 (Bộ NN&PTNT) đề xuất các nhóm giải pháp chính như, cần phối hợp chặt chẽ giữa các Tổ công tác của các bộ, ngành, đặc biệt là sự phối hợp với Bộ Quốc phòng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tổ công tác 970 đề nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ kiến nghị Chính phủ xây dựng và ban hành nghị quyết về khôi phục sản xuất nông nghiệp trên cả nước; trong đó ưu tiên cho khôi phục sản xuất nông nghiệp trong và sau đại dịch Covid-19 trong phạm vi các tỉnh Nam bộ để có căn cứ và cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả tại các địa phương. Phía Thành phố Hồ Chí Minh cần tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông cho hàng hóa nông sản xuất khẩu và vật tư, trang thiết bị nông nghiệp từ các cảng về các địa phương, nhằm duy trì sản xuất, chế biến ổn định trong và sau thực hiện giãn cách xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cũng đã yêu cầu các ngành, địa phương trong tỉnh rà soát nhu cầu giống cây trồng, vật nuôi, các loại vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị... và khả năng cung ứng; thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình sản xuất, chủ động tham mưu xây dựng các phương án ứng phó trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch. Đồng thời, định kỳ báo cáo Tổ công tác Bộ NN&PTNT để kịp thời hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản của tỉnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam lưu ý, đối với chuỗi sản xuất, chế biến nông lâm sản và thủy sản thì đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh tham mưu UBND các tỉnh triển khai tiêm vắc-xin sớm cho người lao động tham gia chuỗi sản xuất nhằm đảm bảo đủ nhân lực cho hoạt động, chế biến và xuất khẩu. Cho phép các đối tượng đã tiêm vắc-xin hoặc bị nhiễm Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh tham gia sản xuất. Tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 để đảm bảo người lao động tham gia hoạt động sản xuất. Xem xét cho phép doanh nghiệp mở rộng “3 tại chỗ” khi đủ điều kiện; chuyển từ phương án “3 tại chỗ” sang phương án “1 cung đường, nhiều điểm đến”…
H.TÂN - H.THU