VHO - Khó ai có thể tổng kết được cuộc đời phong phú và sôi nổi của một người nghệ sĩ như Lưu Trọng Lư. Ông hiện diện trong đời sống văn chương học thuật nước nhà ở nhiều tư cách: nhà thơ,ấuấnLưuTrọngLưtrênvănđànViệkết quả cúp bóng đá ý nhà văn, nhà viết kịch, người đã đấu tranh cho sự thắng thế của Thơ mới bằng chính sự thành công của các bài thơ ngay từ buổi bình minh của trào lưu thơ ca vĩ đại này.
Sự nghiệp sáng tác của Lưu Trọng Lư trước 1945 gắn với phong trào Thơ mới - một cuộc cách tân lớn nhất của nền thơ ca hiện đại có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn học nước nhà. Trào lưu thơ ca này là mảnh đất đã làm nảy mầm và nuôi dưỡng hạt giống nghệ thuật của Lưu Trọng Lư.
Tên tuổi ông gắn liền với Tiếng thu, một trong những tập thơ tiêu biểu của thời kỳ Thơ Mới. Khi mới xuất hiện, tập thơ đã tạo được một “điệu tâm hồn” riêng có sức thu hút công chúng rất lớn. Âm thanh và nhạc điệu là sức mạnh đặc biệt tạo nên sự cuốn hút của thơ Lưu Trọng Lư. Tập thơ đã được chú ý ngay từ buổi đầu Thơ mới cũng như trong suốt quá trình phát triển của phong trào.
Lưu Trọng Lư là một chiến tướng vừa xông xáo trên mặt trận lí luận phê bình vừa khiến cho Thơ mới bắt đầu có một vị trí trên văn đàn bằng những sáng tác hấp dẫn của mình.
Sự dấn thân của Lưu Trọng Lư vào những thời khắc đầu tiên của phong trào Thơ mới cho thấy thái độ và bản lĩnh đáng khâm phục của ông. Không chỉ cổ vũ Thơ mới trong lĩnh vực lí luận, Lưu Trọng Lư còn là một trong những người đầu tiên thử nghiệm Thơ mới và có những sáng tác thực sự thuyết phục.
Thời Thơ mới, Lưu Trọng Lư được đánh giá cao với những bài thơ nổi tiếng như: Nắng mới, Tiếng thu, Thơ sầu rụng, Một mùa đông, Giang hồ, Còn chi nữa, Thú đau thương, Chiều cổ…
Cách mạng tháng 8.1945 chấm dứt ngót 80 năm nô lệ, mở ra một kỉ nguyên mới - kỉ nguyên độc lập tự do cho dân tộc; cũng là thời điểm làm hồi sinh những giá trị văn hóa – tinh thần, và đem lại sự khai sinh một giai đoạn mới của văn học nghệ thuật. Và Lưu Trọng Lư đã viết những vần thơ dung dị, hồn hậu, mang đầy thi hứng dân gian, thể hiện tình cảm của những con người kháng chiến:
Giặc có đốt thiêu đồng/Lúa mùa sau lại mọc/Giặc có dồn cướp thóc/Thóc lại cướp trở về/Hôm trước giặc dựng tề/Hôm sau mình lại hạ/Giặc phá tan khung cửi/Nhưng vải đã dệt xong/Kịp chiến dịch Thu Đông/Gửi cho anh, anh mặc...
Thơ Lưu Trọng Lư viết về kháng chiến, hoàn toàn khác trước, từ mơ màng, sầu mộng dẫn đến những lời ca ngợi, khắc hoạ vẻ đẹp của con người lao động chân chất. Nhiều người ngạc nhiên trước sự biến chuyển đột ngột của Lưu Trọng Lư. Cuộc đời mới, mùa thu lớn của cách mạng đã lôi cuốn ông, nhất là thời kì ở chiến khu Thừa Thiên (1948). Lưu Trọng Lư tâm sự: “Tôi đã bắt đầu làm nhiều thơ. Thơ tôi phần lớn là những phần thiết thực và kịp thời nhưng cũng rất thật, rất sống. O tiếp tế chẳng hạn”.
Thơ của Lưu Trọng Lư sau cách mạng đã có thêm những vẻ đẹp mới, thành tựu mới. Cảm hứng sáng tạo bắt đầu từ hiện thực cuộc đời mới phong phú và điều quan trọng hơn cả là tâm hồn, tình cảm nhà thơ đã hòa cùng với hiện thực đất nước để ngân lên những nhịp điệu mới.
Những bài thơ nói về đề tài đấu tranh thống nhất đất nước tiêu biểu của Lưu Trọng Lư như: Toả sáng đôi bờ, Đêm đã tàn, Sóng vỗ Cửa Tùng…đã ghi lại dấu ấn đậm nét của một thời đất nước cắt chia.
Thời kì chống Mỹ cứu nước mặc dù tuổi cao nhưng nhà thơ vẫn đi đến với tuyến lửa Khu 4, bất chấp bom đạn ác liệt. Thơ Lưu Trọng Lư phản ánh cuộc sống giản dị đời thường mà rất đỗi anh hùng, ca ngợi những con người quả cảm của tuyến lửa. Người con gái sông Gianhvà Từ đất nàylà hai tập thơ tiếp tục chủ đề của Toả sáng đôi bờ, ca ngợi tinh thần chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thơ Lưu Trọng Lư vẫn thể hiện một thái độ nhập cuộc. Thơ ông là tiếng nói chân thành ngày càng gắn bó và có trách nhiệm với cuộc đời.
Sự đa dạng trong ngòi bút của người nghệ sĩ, thể hiện tài năng về nhiều mặt của họ thường được đánh giá cao, nhưng ở một khía cạnh nào đó nó có thể làm nhoà mờ những giá trị mà đáng ra cần phải được tìm hiểu và nhìn nhận một cách thỏa đáng hơn. Lưu Trọng Lư cũng là một trường hợp như vậy. Chúng ta thường nói đến nhà thơ, nhà hoạt động sân khấu Lưu Trọng Lư mà hầu như chưa nói đến một tiểu thuyết gia Lưu Trọng Lư.
Lưu Trọng Lư viết văn xuôi từ khá sớm, cùng lúc với những bài Thơ Mới đầu tiên. Số lượng tác phẩm của nhà văn khá phong phú so với ngay cả các cây bút văn xuôi đương thời. Trong khoảng gần 10 năm ông cho ra mắt người đọc hơn 30 tập truyện ngắn và tiểu thuyết.
Hầu hết các tác phẩm văn xuôi của Lưu Trọng Lư đều nghiêng về khuynh hướng trữ tình lãng mạn. Có một số tác phẩm đi vào khai thác những chuyện thần tiên ma quỷ, thoát ly hiện thực (Huyền không động, Con đười ươi, Công chúa Lã Mai). Một số tác phẩm nói về phong tục, cảnh sắc, con người xứ Huế và đô thị cổ Hội An (Huế một buổi chiều, Nàng công chúa Huế) Số còn lại chủ yếu miêu tả những chuỵên tình ái lãng mạn, những mối tình vẩn vơ, éo le ngang trái. Nổi bật hơn cả ở giai đoạn đầu là cuốn tiểu thuyết tự truyện Chiếc cáng xanh, với nhân vật chính là Doãn, một cậu bé thông minh, mơ mộng, giầu tình cảm. Bao trùm lên toàn bộ thiên truyện là một không khí hoài cổ.
Cùng với Chiếc cáng xanh, Khói lam chiều(1936) là tác phẩm đáng chú ý hơn cả trong văn xuôi của Lưu Trọng Lư trước Cách mạng.
Nhìn chung các sáng tác văn xuôi của Lưu Trọng Lư thời trước cách mạng in đạm dấu ấn của một tâm hồn thi nhân. Ông thường để cho cảm xúc của mình tràn trên trang giấy, ít tuân thủ theo những nguyên tắc cần thiết của đặc trưng thể loại văn xuôi như xây dựng cốt truyện, khắc hoạ tính cách, miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật…Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị của tác phẩm.
Từ sau năm 1954, Lưu Trọng Lư vẫn tiếp tục sáng tác ở các lĩnh vực: thơ, văn, sân khấu. Ở địa hạt văn xuôi ông tập trung vào thể loại hồi ký và đã để lại một vẻ riêng độc đáo. Hai tập hồi ký Mùa thu lớn (1978) và Nửa đêm sực tỉnh (1989) đã cho thấy sự chân thành trong suy nghĩ và nồng nhiệt trong cảm xúc của nhà văn.
Cảm xúc nồng nhiệt, phong phú từ thơ tràn sang văn xuôi. Và lần lượt, những trang văn xuôi tươi rói cảm xúc, ngồn ngộn sức sống, đầy ắp sự việc đã giúp Lưu Trọng Lư giải toả những điều chất chứa sâu nặng trong ông. Đó cũng chính là nguồn mạch vô tận để tạo nên sức hấp dẫn trong các tác phẩm hồi ký của nhà thơ.
Là một nghệ sĩ tinh tế, nhạy cảm lại luôn luôn kiếm tìm để học hỏi, hấp thu cho được tinh hoa của cha ông, của văn chương truyền thống, Lưu Trọng Lư đã tiếp nhận được cái hay, cái đẹp sâu sắc, uyên thâm của văn học truyền thống. Bước vào cuộc sống hòa bình đã mở ra cho sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật của Lưu Trọng Lư những thành tựu mới. Trước đây, Lưu Trọng Lư tập trung vào thơ và văn xuôi, bây giờ lại hướng sang sân khấu. Từ 1958, được phân công về công tác tại Vụ Nghệ thuật, Lưu Trọng Lư tập trung sáng tác kịch nói và kịch thơ. Kịch nói của Lưu Trọng Lư (Giọt sương cành hoa, Nguyễn Văn Trỗi, Xuân Vỹ Dạ…), hầu hết là những vở được sáng tác kịp thời, nhằm phục vụ những yêu cầu trước mắt, ít gây được ấn tượng rõ rệt.
Trong những năm chống Mỹ, hai vở kịch thơ Tuổi 20 và Hồng Gấmcủa Lưu Trọng Lư là những dấu son trên sân khấu.
Vốn say mê, yêu thích Truyện Kiều, nên Lưu Trọng Lư cũng đã viết một số vở kịch thơ dựa theo tác phẩm này như Kiệu hoa, Ngàn thu vọng mãi…Trong không khí của kịch thơ lịch sử, ngòi bút Lưu Trọng Lư dễ tìm một mảnh đất thích hợp để bộc lộ những sở trường của mình. Bình minh Anh Vũ(Thuý Tiêu) là vở kịch thơ được Lưu Trọng Lư dành nhiều tâm huyết. Khai thác cốt truyện từ một truyện trong Truyền kì mạn lục, câu chuyện tình bi thảm của chàng Dư Nhuận Chi (Dư Sinh) và nàng Thuý Tiêu đời Trần Dụê Tông, vở kịch ca ngợi tình yêu chân chính và khát vọng tự do, ý chí đấu tranh giành lấy hạnh phúc của con người. Vở kịch được xây dựng qui mô với ba hồi 12 cảnh. Chất thơ và tính kịch có sự hài hòa, bổ sung cho nhau. Hành động kịch và tâm lí nhân vật đã có sự vận động phát triển theo một đường dây khá nhất quán.
Gia tài đồ sộ của nhà thơ Lưu Trọng Lư, sau hơn 20 năm kể từ ngày ông đi xa, giờ đây lần đầu tiên đã được tập hợp lại trong bộ “Lưu Trọng Lư toàn tập” để giới thiệu với bạn đọc rộng rãi trong cả nước.
Ở lần xuất bản này “Lưu Trọng Lư toàn tập” gồm năm tập: Thơ, kịch thơ, kịch nói; Truyện ngắn, tiểu thuyết; Tiểu thuyết; Tiểu thuyết; Phê bình tiểu luận, ký.