Đây là một phần nội dung trong báo cáo của các nhà kinh tế Liên Hợp quốc đưa ra tại Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 25/2.
Báo cáo của UNCTAD nêu rõ thị trường EU chiếm tới 46% hàng hóa xuất khẩu của Anh, do đó việc Anh không có được một thỏa thuận với EU sẽ tác động mạnh đến kinh tế của nước này.
Cụ thể, mức thiệt hại 32 tỷ USD nêu trên tương ứng 14% giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Anh sang EU.
Trong đó, một nửa thiệt hại bắt nguồn từ các biện pháp thuế quan mà hai bên có thể áp dụng và một nửa do các biện pháp phi thuế quan ảnh hưởng đến giao thương giữa hai bên như các quy định về y tế, môi trường và tiêu chuẩn đóng gói hàng hóa.
Không chỉ Anh, báo cáo của UNCTAD chỉ ra một số nước EU chịu ảnh hưởng tiêu cực khi không có thỏa thuận thương mại với Anh. Ireland là quốc gia chịu tổn thất nhất với hàng hóa xuất khẩu có thể giảm tới 10% nếu kịch bản không thỏa thuận xảy ra.
Cuối tháng 1/2020, Anh đã rời EU, đồng thời tuyên bố tìm cách đạt được quan hệ thương mại mới với khối này vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, báo cáo của UNCTAD cho rằng ngay cả khi hai bên đạt được một thỏa thuận "tiêu chuẩn" như một thỏa thuận tương tự như EU - Canada, xuất khẩu hàng hóa của Anh sang EU cũng vẫn giảm khoảng 9%.
Ngược lại, với kịch bản không thỏa thuận thương mại giữa EU và Anh, đây sẽ là cơ hội đối với một số nước đang phát triển xuất khẩu sang Anh và cả EU.
Báo cáo của UNCTAD cho rằng những hàng rào thương mại giữa Anh và EU sẽ có lợi cho các nước thứ 3; việc hai bên đạt được thỏa thuận thương mại sẽ ngăn cản động lực chuyển hướng tìm kiếm đối tác thương mại tại những nước thứ 3.
UNCTAD dự báo xuất khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển sang Anh có thể tăng tới 4%, tập trung nông sản, thực phẩm, đồ uống, gỗ và giấy.
Theo kế hoạch, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại với Vương quốc Anh từ ngày 2 đến ngày 5/3 tới tại Brussels (Bỉ).
Giới quan sát nhận định những quan điểm đối nghịch nhau của hai phía cho thấy giai đoạn đàm phán về quan hệ thương mại tương lai giữa nước Anh và EU có thể gặp nhiều trắc trở như quá trình đàm phán thỏa thuận “ly hôn” (còn gọi là Brexit) kéo dài 3 năm qua.
Ông Barnier cho biết ngoài vòng đàm phán dự kiến được tổ chức vào tuần sau, vòng đàm phán thứ 2 sẽ diễn ra tại London vào cuối tháng 3 tới với chương trình nghị sự gồm thương mại, an ninh, chính sách đối ngoại cùng nhiều lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, quan chức EU khẳng định sẽ không tìm cách kết thúc đàm phán "bằng bất cứ giá nào", bởi với khung thời gian rất hạn chế, các bên sẽ không thể hoàn tất mọi yêu cầu. Ông cũng cảnh báo tiến trình thương lượng sẽ phức tạp, khắt khe và vô cùng khó khăn./.
Theo TTXVN