Thời báo Tài chính Việt Nam giới thiệu loạt bài viết về các địa phương nỗ lực đưa ra những giải pháp, thực hiện với quyết tâm cao nhằm thu hồi nợ thuế vào ngân sách nhà nước.
Nợ thuế nội địa tại Bình Dương tính đến thời điểm 30/6/2019 đã tăng thêm 26% so với đầu năm, lên hơn 2.703 tỷ đồng. Trước tình hình trên, Cục Thuế Bình Dương đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác thu hồi và cưỡng chế nợ thuế, nhằm kéo giảm nợ thuế, với mục tiêu đến cuối năm không để nợ thuế vượt quá 5% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Vì sao nợ thuế tăng?
Các khoản nợ thuế tại Bình Dương bao gồm: Nợ từ hoạt động sản xuất kinh doanh 2.317,2 tỷ đồng; nợ thuế thu nhập cá nhân 208,3 tỷ đồng; các khoản nợ liên quan đến đất 178 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương Nguyễn Minh Hải, là do nhiều yếu tố. Trước tiên là do thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, nhiều DN rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, tài sản đã thế chấp tại ngân hàng, dẫn đến chưa nộp ngay, nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào NSNN.
Đồng thời, việc thực hiện cưỡng chế, công khai thông tin người nợ thuế cũng chưa được thực hiện thường xuyên liên tục. Đây là hạn chế làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Ông Hải cho biết, trong số 35 DN bị cục thuế “bêu tên” do chây ỳ, với tổng số nợ thuế 653,6 tỷ đồng mới đây, có DN đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế về hóa đơn đến lần 2, lần 3 nhưng vẫn tiếp tục nợ thuế.
Bên cạnh đó, một bộ phận người nộp thuế (NNT) chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ỳ không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài dẫn đến khoản tiền phạt chậm nộp tăng lên. Một số DN kinh doanh thua lỗ đã tự giải thể, bỏ khỏi địa chỉ sản xuất kinh doanh, trong khi vẫn còn nợ thuế nhưng không làm thủ tục khai báo lại cho cơ quan thuế, nên thông báo nợ thuế không gửi đến được với NNT (thường bị trả lại), gây khó khăn cho công tác đôn đốc nộp thuế.
Trong khi đó, nhiều khoản tiền thuế nợ không thể thu được nhưng cũng không thể xử lý xóa được, do chính sách chưa có quy định xử lý đối với các trường hợp này, nên cơ quan thuế vẫn phải thực hiện theo dõi, tính tiền phạt chậm nộp, đã làm tăng số nợ đọng thuế lũy kế. Tính đến thời điểm 30/6/2019, số tiền chậm nộp của nhóm nợ có khả năng thu khá lớn (589 tỷ đồng) mà không thể thu được do NNT chỉ nộp khoản nợ gốc, chưa nộp khoản tiền chậm nộp.
“Việc xác định dữ liệu nợ theo ngày trên hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) cũng chưa được kịp thời, làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành, xác nhận nợ, đối chiếu nợ với NNT và việc triển khai áp dụng các biện pháp đôn đốc cưỡng chế nợ. Số lượng NNT liên tục tăng qua các năm và số lượng người nợ thuế cũng tăng theo...” - Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương Nguyễn Minh Hải cho biết thêm.
Bảo đảm nợ thuế thấp hơn năm 2018
Chia sẻ các giải pháp kéo giảm nợ thuế, ông Hải cho hay, Cục Thuế Bình Dương đang triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm, với mục tiêu đặt ra là phấn đấu là đến cuối năm, tổng số tiền thuế nợ không vượt quá 5% so với số thực thu trong năm; kéo giảm số tiền thuế nợ xuống thấp hơn năm 2018 và xử lý dứt điểm các khoản nợ đang chờ điều chỉnh, nợ chờ xử lý.
Thực tế cho thấy, để đạt các chỉ tiêu đó, trước mắt, ngoài việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho NNT trong sản xuất kinh doanh, giải quyết kịp thời các khoản nợ xấu, xử lý nợ tiền chậm nộp cho các DN gặp khó khăn khách quan, tạo điều kiện cho NNT đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hiệu quả, từ đó giảm nợ đọng thuế, Cục Thuế Bình Dương phải tiếp tục giao nhiệm vụ đôn đốc, cưỡng chế, chịu trách nhiệm thu hồi nợ đọng từng tháng, từng quý tới từng lãnh đạo, trưởng phòng, chi cục trưởng, đội trưởng, từng cán bộ đối với từng DN, để thu hồi kịp thời số tiền nợ đọng thuế vào NSNN và không để phát sinh nợ mới. Đồng thời, các đơn vị rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế tại cơ quan thuế các cấp, đối chiếu xử lý điều chỉnh dứt điểm các khoản nợ đang chờ điều chỉnh, nợ chờ xử lý, công khai thông tin nợ thuế và hàng tháng tổ chức kiểm điểm việc thực hiện cưỡng chế nợ.
Cơ quan thuế các cấp chủ động tham mưu với chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế duy trì các tổ liên ngành thu hồi nợ đọng; phối hợp chặt chẽ với kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư... thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.
“Đặc biệt, Cục Thuế Bình Dương tăng cường lực lượng cán bộ công chức làm công tác quản lý nợ, thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý nợ thuế một cách hiệu quả nhất, góp phần đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thu ngân sách, nhưng cũng đồng thời kéo giảm tỷ lệ nợ đọng thuế so với tổng thu NSNN trong thời gian tới” - ông Hải nhấn mạnh.
Cục Thuế Bình Dương sẽ tăng cường lực lượng cán bộ công chức làm công tác quản lý nợ, thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý nợ thuế một cách hiệu quả nhất, góp phần đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thu ngân sách, nhưng cũng đồng thời kéo giảm tỷ lệ nợ đọng thuế so với tổng thu NSNN trong thời gian tới. |
Đỗ Doãn