Cảnh báo châu Âu đối mặt nguy cơ phi công nghiệp hóa | |
Châu Âu có thể tránh được một cuộc suy thoái đáng sợ trong năm 2023 | |
Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu chưa có hồi kết |
Các cuộc đình công tại Đức ngày 27/3 chỉ là một phần trong làn sóng đình công đang bùng phát dữ dội ở châu Âu - nơi hàng triệu công nhân vận tải, y tế và giáo dục cũng đang kêu gọi tăng lương cao hơn. Hầu hết hoạt động giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không tại Đức đã ngừng hoạt động trong ngày 27/3 sau khi cuộc tổng đình công kéo dài 24 giờ trên toàn quốc bắt đầu lúc nửa đêm. Hai nghiệp đoàn lớn của Đức gồm Verdi và Nghiệp đoàn đường sắt và giao thông (EVG) đã kêu gọi cuộc tổng đình công với quy mô lớn nhất trong hơn 30 năm qua nhằm yêu cầu giới chủ tăng lương, trong bối cảnh nền kinh tế lớn châu Âu lao đao do lạm phát tăng chóng mặt trong suốt một năm qua. Hai sân bay lớn nhất nước Đức là Munich và Frankfurt đã tạm dừng các chuyến bay, trong khi công ty đường sắt Deutsche Bahn cũng phải dừng vận hành các chuyến tàu đường dài. Viện nghiên cứu kinh tế Ifo đánh giá việc giao thông bị đình trệ có thể kéo theo thiệt hại lên tới 181 triệu euro (195 triệu USD), song mức độ tổn thất này chưa phải quá lớn.
Cuộc đình công trong 24 giờ của Verdi và EVG là cuộc đình công mới nhất sau một loạt vụ việc tương tự diễn ra trong nhiều tháng qua, ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn của châu Âu trong bối cảnh giá năng lượng và lương thực tăng cao. Nghiệp đoàn EVB của Đức cảnh báo có thể tiếp tục kêu gọi các cuộc đình công, kể cả trong thời gian nghỉ lễ Phục sinh, nếu các bên không đạt được kết quả nào trên bàn đàm phán.
Tại Pháp, đình công vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc khi lao động nước này tiếp tục tiến hành cuộc tổng đình công và biểu tình thứ 10 kể từ khi nổi lên làn sóng phản đối dự luật cải cách gây tranh cãi vào giữa tháng 1/2023. Khoảng 740.000 người tham gia, hàng loạt hành vi biểu tình quá khích đã xảy ra ở nhiều nơi. Tại Paris, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình quá khích. Nhiều vụ đụng độ tương tự cũng đã xảy ra tại các thành phố khác như Rennes, Bordeaux, Toulouse,... Thậm chí tại Nantes, người biểu tình còn đốt phá trước chi nhánh ngân hàng BNP Paribas và phóng hỏa nhiều ô tô. Cảnh sát đã bắt giữ một số người biểu tình quá khích.
Ông Laurent Berger, lãnh đạo CFDT - công đoàn lớn nhất tại Pháp và một số công đoàn khác ở nước này đang kêu gọi Tổng thống Emmanuel Macron đình chỉ luật cải cách hưu trí, đề nghị áp dụng phương thức gian hòa giải vì chính phủ và công đoàn vẫn bất đồng quan điểm. Đáp lại, người phát ngôn Chính phủ Pháp nhấn mạnh Nội các sẵn sàng thảo luận những điều chỉnh chính sách khác, song sẽ giữ nguyên các quy định trong luật cải cách hưu trí mới gây tranh cãi.
Trên thực tế, bất chấp các ý kiến phản đối dẫn tới các cuộc biểu tình và đình công liên tiếp trong thời gian gần đây, Tổng thống Macron hôm 22/3 tuyên bố luật cải cách chế độ hưu trí sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Theo luật này, tuổi nghỉ hưu được nâng từ 62 tuổi lên 64 tuổi vào năm 2030 và áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu. Bên cạnh đó, từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ.
Trong khi đó, làn sóng đình công tại Anh lan rộng trong vài tháng qua, khi công nhân trong các lĩnh vực vận tải, y tế, giáo dục... yêu cầu được tăng lương trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao.
Hiện chưa rõ các bên có đạt được thỏa hiệp trong vấn đề này hay không, song rõ ràng bài toán chưa có lời giải này đã và đang làm tê liệt đời sống xã hội với những thiệt hại đáng kể về kinh tế. Đây cũng là vấn đề gây chia rẽ sâu sắc, có thể khiến châu Âu lại rơi vào bất ổn xã hội.