Một góc Nghĩa trang Yên Kỳ
Hàng chục quả đồi lớn nhỏ. Chẳng thấy trời. Chẳng thấy đất. Chỉ thấy một màu xam xám của những dãy mộ nhấp nhô nối đuôi nhau chạy tít tắp,ànhphốnghĩađịket qua toluca mịt mùng, cuối cùng kết thúc bởi bức tường mảnh như một sợi chỉ dài bao quanh. Qua nửa thế kỷ tồn tại, Yên Kỳ (Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) đã trở thành “thành phố của người chết” đúng nghĩa với trên 120.000 ngôi mộ cả có chủ lẫn vô chủ.
Hiện tại nơi đây chỉ nhận “củi khô” (cốt) về cải táng chứ không nhận “củi ướt” tức hung táng nữa. Nhiều nghĩa trang trong nội đô phải đóng cửa, nhu cầu dồn về Yên Kỳ ngày một lớn.
Dịp lễ Tết, từng đoàn xe nối đuôi nhau kéo dài cả chục cây số từ từ bò đến nơi này vừa là tảo mộ lại tiện cho việc đi… chợ quê. Hàng quán bày ra ngay trong nghĩa trang. Nào chục sạp bê thui, nào mấy chục lồng gà đồi, nào trăm dãy xô chậu để tôm cua, ốc ếch, nào mẹt vơi, mẹt đầy bầy đủ thứ rau kiểu cây nhà lá vườn mới hái nhựa còn ròng ròng.
Đã từ lâu ở Yên Kỳ hình thành một đội ngũ hùng hậu người sống phục vụ người sống với các dịch vụ cho thuê chiếu ngồi, cho thuê vải bạt, chở xe ôm dẫn đường ra mộ; người sống phục vụ người chết với dịch vụ lau chùi mộ, dọn cỏ, ốp lát, quét tước, thắp hương. Mấy trăm hộ dân xã Phú Sơn sống khỏe nhờ vào “thành phố của người chết” này trong đó kiếm ăn nhất phải kể đến dịch vụ chọn ô, đặt huyệt.
Nghĩa trang rộng mênh mông này vốn có hàng đi lối lại thẳng thớm, rộng rãi rất tiện cho việc thắp hương, cúng bái. Mới đây, lấy lý do cải tạo lại Yên Kỳ người ta đã thu hẹp những lối đi để mở ra những hàng mộ mới. Những mộ ở “mặt tiền” xưa người thân chỉ việc đứng ngoài đặt lễ thắp hương dễ dàng giờ bỗng biến thành mộ trong ngõ ngách, phải trèo qua một lô mới vào được.
Trần sao âm vậy. Việc cải tạo nghĩa trang đã châm ngòi cho cuộc chạy đua giành giật những lô mộ mặt tiền, những vị trí mộ đắc địa.
Đúng quy định phải có giấy đi Văn Điển, nghĩa là đã chết hoặc trên 70 tuổi hay mắc bệnh hiểm nghèo mới được đặt mua một suất ở Yên Kỳ nhưng thực tế người ta chào hàng chục ô mộ đủ để dự trữ cho cả dòng họ ngay giữa ban ngày ban mặt như bán mớ rau, con cá.
Trong vai người đang có nhu cầu tìm lô đẹp, chúng tôi ghé vào một quán ăn cuối nghĩa trang. Cơm nước xong xuôi, vờ buột mồm hỏi chuyện mồ mả, bắt “đúng sóng”, chủ quán liền tiếp chuyện ngay. Chiếc điện thoại trong tay ông ta rung lên một hồi đã thấy một chiếc xe ô tô Inova lướt tới. Cửa xe xịch mở. Người đàn ông cứng tuổi ăn mặc lịch sự bước ra, cười giả lả, tự giới thiệu là Phơ - chuyên lo việc đặt lô chọn vị trí.
Những ngôi mộ nối nhau ở Nghĩa trang Yên Kỳ
“Yên Kỳ chỉ bán theo ô một và bán cho người đã có giấy chứng tử nhưng tôi có thể lo cả lô được. Mua cả lô tiện lợi mọi nhẽ cho sau này khi quy tập cả gia đình, dòng họ vào một chỗ chứ để mỗi cụ lổm nhổm mỗi nơi trong cái nghĩa trang có gần 400 khu, mỗi khu có cả ngàn ngôi mộ thế này thì hết đời mình, con cái chúng nó không thể tìm được mộ tổ tiên đâu”, Phơ giới thiệu.
Lau láu một hồi, Phơ rào đón tiếp: “Theo quy định giá mỗi mộ 13,5 - 16 triệu đồng nhưng đó là giá mua trực tiếp, có giấy tờ sẵn trong tay còn mua để dự trữ bắt buộc phải qua cánh chúng tôi. Giá cả thì ngoài 20 triệu đồng mới tạm theo ý còn những ô đẹp 40 triệu đồng cũng khó mà mua được. Đấy là chọn từng ô nhưng quan trọng là cả đại gia đình hay một dòng họ muốn một chỗ phải mua theo lô liền nhau chứ đã lên Yên Kỳ cũng chẳng phải là VIP. Đây là nghĩa trang nhân dân nên giá mềm chứ một suất ở nghĩa trang tư nhân kiểu Vĩnh Hằng có khi cả vài trăm triệu”.
Chuyện vãn một hồi xe đã đến cổng nghĩa trang. Mọi ô tô đều phải để bãi rồi khách đi bộ vào trong viếng nhưng xe của Phơ cứ lướt qua êm ru. Đã thế lúc xáp mặt với đám bảo vệ, anh còn bấm kính xuống, vẫy tay chào. Chỉ một người dáng đậm chừng trên 50 tuổi, Phơ bảo: “Ông đứng ở cửa văn phòng là quản trang đấy, là chỗ anh em của tôi”.
Xe dừng ở khu B, Phơ giới thiệu chỗ chưa xây bít lại hàng gạch trên nóc là các mộ chờ. Bốn ngôi trong dãy đã có người đăng ký còn lại tám ngôi liền lạc có giá 22 triệu đồng một cái. Nếu lấy tất anh ta sẽ chịu chi phí xe bốc tro cốt từ Văn Điển lên, công xây lại nắp mộ, nghĩa là từ A-Z.
“Phải quyết nhanh lên, báo ngay mới chen vào được chứ ngần ngừ là mất cơ hội, người ta lấy đành chịu đấy! Nghĩa trang tư nhân ép buộc mình đủ thứ khoản phải đóng hằng tháng, hằng năm như thắp hương, làm cỏ, trông coi còn nghĩa trang nhân dân ở đây hạ các cụ xuống là xong phim, không phải lăn tăn một cái gì cả”, Phơ cho hay.
Yên Kỳ như một đại công trường, chỗ đào lên, chỗ đổ xuống, chỗ xây, chỗ đắp. Thời buổi giá nhà đất của người sống tụt giảm thê thảm nhưng giá nhà đất của người chết vẫn chỉ có tăng một mạch, tăng từng năm. Trong khi dự án mở một nghĩa trang mới mang tên Yên Kỳ 2 vẫn còn ở thì tương lai, người ta tận dụng từng tấc đất hiếm hoi còn sót lại ở Yên Kỳ 1.
Nghĩa trang Yên Kỳ được thành lập từ năm 1963 với khoảng 100.000 ngôi mộ có danh và 20.000 ngôi mộ vô danh. Có hai loại được nhập mộ tại đây: Người đã mất đang an táng tại các nghĩa trang trên địa bàn Hà Nội hoặc bình tro di hài, tiểu cốt đang lưu trữ tại Nghĩa trang Văn Điển. Người chờ nhập mộ là đối tượng từ 70 tuổi trở lên, đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo không thể chữa trị được như bệnh ung thư, bệnh HIV… |
Phơ mặc áo đen đang tiếp thị mộ
Ngoài bóp hẹp đường đi lấy đất bán, nơi đây còn quy tập luôn thể những ngôi mộ vắng chủ, vô danh đưa tập trung vào các hố chôn tập thể (thuật ngữ gọi là ca pô - PV) rồi xắt đất ra bán cho những người có nhu cầu. Cứ theo như lời của Phơ, những lô mặt đường đều để lại cho nội bộ, không có bán trực tiếp ra ngoài.
Rời khu B18, chúng tôi sang khu B10. Đó là một dãy mộ đã xây sẵn có giá mềm hơn, khoảng 20 triệu đồng một ô. “Anh có thể chọn hướng Bắc để các cụ nhà ta nhìn ra sông Hồng hoặc hướng Nam để các cụ quanh năm hưởng gió mát. Tôi làm việc thẳng với thành phố nên mới có giá ưu đãi đấy chứ phải tay người khác thì…”. Phơ bỏ lửng, mặt ngước thẳng vào tôi, ánh mắt nặng hơn mọi lời nói.
Lấy cớ vẫn chưa thật ưng ý những lô ở khu B, tôi đòi Phơ chở xuống khu G, khu E. Trong cái “thành phố của người chết” này rất dễ bị lạc nếu không có sơ đồ bởi rất nhiều lô, nhiều mộ cùng một kiểu dáng, cùng một màu sắc hệt ma trận nhưng với Phơ đường đi lối lại chỉ đơn giản như đếm ngón tay trên một bàn tay.
“Ô mặt đường giá khác, ô trong ngõ giá khác, ô trong hẻm giá khác. Cùng một vị trí nhưng nếu ở nơi khô ráo sẽ có giá cao hơn ở chỗ trũng thấp. Anh cứ chọn đi rồi về bàn bạc với gia đình. Tiền nong thì nộp cho tôi mọi chuyện còn lại tôi sẽ lo hết”, Phơ quả quyết.
Theo Báo nông nghiệp