Trước dự báo nước lũ năm nay sẽ lớn và về sớm nên ngành chức năng cùng người dân trên địa bàn huyện Long Mỹ đã,ậptrungphngchốnglũkashiwa đấu với vissel kobe đang tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng, chống lũ nhằm bảo vệ thành quả sản xuất, cũng như hạn chế ảnh hưởng đến đời sống.
Anh Huy (bìa trái) cùng cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện kiểm tra tấm cao su được tấn xung quanh bờ bao để ngăn lũ.
Qua ghi nhận của chúng tôi, hiện nước lũ trong những ngày gần đây đang bắt đầu lên cao so với mực nước bình thường trên các tuyến kênh nội đồng ở huyện Long Mỹ. Do đó, để bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa lũ, nhiều nhà vườn đang áp dụng một số kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành chuyên môn của huyện và tiến hành gia cố lại hệ thống đê bao; đặc biệt, không ít nhà vườn có những sáng kiến hay trong phòng, chống lũ xâm nhập vào vườn cây ăn trái của mình để vừa mang lại hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí. Điển hình là mô hình dùng tấm cao su tấn (ém) từ dưới đáy ruộng hoặc mương lên phủ bờ bao xung quanh vườn cây ăn trái. Với cách làm này sẽ hạn chế việc nước từ bên ngoài rò rỉ vào các mương vườn cây ăn trái qua những hang lươn, cá.
Đang kiểm tra lại tấm cao su vừa được tấn xung quanh bờ bao cho hơn 5 công bưởi da xanh của gia đình được hơn 2 năm tuổi, anh Thái Huy, ở ấp 6, xã Thuận Hưng, cho biết: “Vào mùa lũ những năm trước, để bảo vệ vườn cây ăn trái của mình thì tôi phải dùng motor điện chạy liên tục cả ngày lẫn đêm để bơm rút nước từ mương vườn ra bên ngoài và công việc này thường kéo dài khoảng 3 tháng, tốn kinh phí gần 5 triệu đồng để trả tiền điện. Nhưng khi thấy mấy chú, bác nhà vườn kế bên áp dụng biện pháp dùng tấm cao su tấn xung quanh bờ bao vườn đã hạn chế nước lũ tấn công vào vườn hiệu quả nên tôi vừa thực hiện giống vậy để chuẩn bị ứng phó với tình hình lũ năm nay”.
Cũng theo anh Huy, hơn một tháng qua, kể từ khi anh áp dụng cách làm trên thì công việc bơm rút nước trong vườn bưởi của mình được nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Thay vì mỗi ngày phải bơm nước như trước thì nay lại cách nhau từ 2-3 ngày mới bơm một lần và mỗi lần thường bơm một buổi là nước đã cạn. “Với việc giảm đáng kể số lần và thời gian bơm do ngăn nước bên ngoài tràn vào hiệu quả nên tôi nghĩ mùa lũ năm nay gia đình sẽ giảm hơn phân nửa chi phí trả tiền điện; trong khi việc mua tấm cao su để tấn bờ bao cho hơn 5 công vườn chỉ tốn hơn 1 triệu đồng, nhưng mình xài được tới 2-3 năm. Đây thật sự là cách làm hiệu quả mà nhà vườn cần nghiên cứu thực hiện”, anh Huy cho biết thêm.
Giống như các nhà vườn trồng cây ăn trái, hiện bà con đã xuống giống vụ lúa Thu đông trên địa bàn huyện Long Mỹ cũng đang tích cực phòng, chống lũ. Ông Nguyễn Hữu Thanh, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, thông tin: “Gần một tuần nay, nước dưới kênh nội đồng nơi đây đã bắt đầu dâng cao hơn bình thường khoảng 10cm. Trước thông tin là nước lũ năm nay sẽ cao, về sớm nên tôi và bà con nơi đây đang đưa đất vào bao để tấn cao các cống dùng bơm thoát nước hàng ngày để hạn chế nước lũ khi dâng cao có thể tràn vào làm ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa Thu đông hiện hơn một tháng tuổi. Ngoài gia cố cống, đập ở những đoạn kênh thấp, bà con còn chuẩn bị phương tiện, nhiên liệu để sẵn sàng bơm thoát nước khi có lũ lớn”.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, hiện toàn huyện có hơn 800ha diện tích vườn cây ăn trái, riêng diện tích lúa Thu đông đã xuống giống là 7.701ha, tập trung ở các xã như: Vĩnh Thuận Đông, Thuận Hưng, Vĩnh Viễn, Xà Phiên,… và lúa trong giai đoạn từ mạ đến làm đòng. Điều an tâm là hầu hết diện tích vườn cây ăn trái và lúa Thu đông đều có hệ thống đê bao khép kín nên giúp nông dân thuận tiện trong việc bơm thoát nước khi có lũ lớn. Ngoài việc tích cực vận động người dân thường xuyên gia cố đê bao, cống đập để tránh ngập úng thì ngành nông nghiệp huyện còn tập trung khuyến cáo bà con thực hiện một số kỹ thuật nhằm hạn chế dịch bệnh trong mùa mưa lũ.
Cụ thể, đối với vườn cây ăn trái, để hạn chế bệnh dễ xuất hiện trong mùa lũ là thối rễ, vàng lá gân xanh thì ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nhà vườn thường xuyên dọn dẹp, cắt tỉa vệ sinh vườn thông thoáng, đánh rãnh tạo luống rút thoát nước tốt; rải từ 30-50kg/công vôi bột và chia ra làm 2 đợt là trước, sau mùa mưa lũ; giữ mực nước dưới mương so với mặt liếp từ 40-60cm. Về cây lúa, không bón thừa phân đạm, nên bổ sung thêm phân kali, các chế phẩm có chứa canxi, silic giúp lúa cứng cây và tăng khả năng chống chịu với điều kiện khắc nghiệt do mưa bão; đặc biệt là dịch bệnh bạc lá thường xuất hiện và gây hại mạnh cho cây lúa ở giai đoạn đòng - trổ trong mùa mưa…
Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, cho biết: Qua theo dõi của ngành thủy lợi huyện, hiện mực nước lũ trên địa bàn huyện đang cao hơn mức bình thường từ 15-20cm và nước đang tiếp tục lên. Trước tình hình này và thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, hiện Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện có văn bản gửi chính quyền các địa phương trong huyện để yêu cầu thực hiện tốt các giải pháp ứng phó lũ theo kế hoạch. Trong đó, quan tâm kiểm tra lại hệ thống bơm tại các trạm bơm tập trung để sẵn sàng phục vụ bơm thoát nước khi cần; vận động người dân gia cố bờ bao, những đoạn đường thấp,… nhằm bảo vệ vườn cây ăn trái, lúa, vùng nuôi trồng thủy sản; đồng thời thực hiện các giải pháp khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh, sông của huyện để việc tiêu thoát nước được nhanh, tránh ngập úng cục bộ làm thiệt hại sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống người dân…
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC