Khấp khểnh dòng tiền TheếptụclàmrõphươngántàichínhDựánCảnghàngkhôkeoc1o thông tin của Báo Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định liên ngành vừa ký Báo cáo số 2916/BC-HĐTĐLN về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa gửi UBND tỉnh Lào Cai - đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ký kết hợp đồng dự án với nhà đầu tư. Cảng hàng không Sa Pa là một trong 3 dự án xây dựng cảng hàng không triển khai theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT được phân cấp cho các địa phương triển khai, kêu gọi đầu tư. Hai cảng hàng không khác cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư là Quảng Trị, Phan Thiết (Bình Thuận). Điểm nhấn quan trọng nhất tại Báo cáo số 2916, theo Hội đồng Thẩm định liên ngành, có 16/16 thành viên Hội đồng đã đồng ý thông qua Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trong đó 11 thành viên đồng ý thông qua, không có ý kiến khác và 5 thành viên đồng ý thông qua kèm theo một số ý kiến góp ý cho Báo cáo. Mặc dù vậy, vẫn có khá nhiều nội dung trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án được Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lào Cai giải trình, làm rõ, hoàn thiện để đảm bảo đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư. Một trong những khuyến nghị đáng chú ý nhất là việc phải tiếp tục làm rõ hơn nữa phương án tài chính, dòng tiền huy động của nhà đầu tư tư nhân tại Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa. Trước đó, tại Tờ trình số 01/TTr-UBND về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa gửi Hội đồng Thẩm định liên ngành vào tháng 1/2021, UBND tỉnh Lào Cai tính toán, tổng vốn huy động cần thiết của nhà đầu tư để thực hiện 2 giai đoạn Dự án là 4.218 tỷ đồng/6.948,8 tỷ đồng tổng mức đầu tư công trình. Hội đồng Thẩm định liên ngành cho rằng, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phải xem lại dòng tiền tại Dự án. Cụ thể, trong phương án tài chính của Dự án được lập, nhà đầu tư phải vay vốn tới 2 lần, trong đó khoản vay đầu thời hạn 22 năm (tính từ năm bắt đầu xây dựng), khoản vay bổ sung thời hạn 10 năm (tính từ năm thứ 17), tổng thời gian vay là 26 năm. Trong khi đó, theo tính toán, Dự án chỉ có thể hoàn vốn ở năm khai thác thứ 46 (tức năm thứ 50, là năm cuối cùng của hợp đồng BOT, bao gồm cả 4 năm chuẩn bị đầu tư và xây dựng). Như vậy, đến hết thời gian trả nợ các khoản vay nói trên, Dự án vẫn chưa thể hoàn vốn, trong khi các khoản bù đắp cho phần thiếu hụt doanh thu khá lớn này lại chưa được làm rõ. “Phương án huy động vốn và kết quả tính toán thời gian hoàn vốn như đề xuất của đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án là có nhiều mâu thuẫn và không phù hợp với thực tế”, Hội đồng Thẩm định liên ngành đánh giá. Căng phương án tài chính Ngoài việc chưa làm rõ cơ cấu vốn chủ sở hữu, vốn vay bảo đảm, thời gian hoàn vốn công trình dự kiến kéo dài tới 50 năm tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lào Cai cũng được Hội đồng Thẩm định liên ngành đánh giá là quá dài khi so sánh với các dự án BOT khác trong lĩnh vực giao thông. “Trong trường hợp loại hợp đồng BOT không phù hợp về thời gian và khả năng hoàn vốn xây dựng, đề nghị UBND tỉnh Lào Cai nghiên cứu thêm việc áp dụng các loại hợp đồng khác như xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL); xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT) hoặc hợp đồng hỗn hợp đối với Dự án theo quy định của Luật PPP”, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định liên ngành khuyến nghị. Một điểm gợn khác là theo mô tả tại hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến Cảng hàng không Sa Pa kinh doanh lỗ trong 9 năm đầu (từ năm 2024 đến 2032). Hội đồng Thẩm định liên ngành cho rằng, các thông số tính toán phương án tài chính của Dự án được đơn vị tư vấn tham khảo và áp dụng từ Dự án Cảng hàng không Vân Đồn (do tư nhân đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT) là chưa có tính thuyết phục, do điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, tiềm năng thu hút khách du lịch của tỉnh Lào Cai, Khu du lịch quốc gia Sa Pa khác với tỉnh Quảng Ninh, Khu kinh tế Vân Đồn và các vùng phụ cận. “Nếu chỉ tập trung hoàn vốn đầu tư qua doanh thu trực tiếp từ kinh doanh cảng hàng không (dịch vụ hành khách, đậu tàu bay, cất hạ cánh, đảm bảo an ninh, cho thuê băng chuyền, cầu dẫn, mặt bằng), thì Dự án khó khả thi về tài chính và thiếu tính hấp dẫn với nhà đầu tư tư nhân, nên cần phải giải trình làm rõ”, Báo cáo số 2916 của Hội đồng Thẩm định liên ngành nêu rõ. |