Với tỷ lệ như vậy, khó có thể nói đại lý thủ tục hải quan đã làm tròn vai trò là “cánh tay nối dài” của cơ quan Hải quan. Vậy làm thế nào để phát triển hệ thống đại lý thủ tục hải quan tại Việt Nam? Đây là câu chuyện được các chuyên gia của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) cùng với đại diện các vụ, cục thuộc Tổng cục Hải quan bàn thảo trong chương trình hỗ trợ phát triển quan hệ đối tác Hải quan-DN của WCO tại Hải quan Việt Nam diễn ra mới đây.
Cuối năm 2012, Cục Hải quan TP.HCM có một đề án táo bạo Thí điểm thủ tục hải quan một cửa thông qua đại lý do một cơ quan quản lý cảng đảm nhận. Về bản chất, công ty cảng hoạt động như một đại lý ký tên đóng dấu, thay mặt chủ hàng, nộp thuế, xuất trình hàng cho cơ quan Hải quan kiểm tra, liên hệ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với hàng phải kiểm tra chất lượng kiểm dịch. Qua tính toán sơ bộ, nếu việc thực hiện do cơ quan cảng đảm nhận thì một container sẽ tiết kiệm chi phí cho DN XNK khoảng 45USD. Đề án đã được Tổng cục Hải quan rất ủng hộ. Tuy nhiên, khi cơ quan Hải quan đồng ý triển khai thì DN lại lưỡng lự xung quanh vấn đề nộp thuế. |
E ngại, dè dặt
Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan tính đến hết năm 2012 cả nước có khoảng 200 đại lý thủ tục hải quan, số nhân viên làm đại lý thủ tục hải quan khoảng 300 nhân viên. Nếu so sánh với số liệu cách đây 5 năm thì số đại lý thủ tục hải quan không tăng hơn là mấy.
Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Nguyễn Nhất Kha cho biết, mặc dù kim ngạch làm thủ tục hải quan qua đại lý rất lớn, nhưng gần như tất cả tờ khai đều do các nhà XNK đứng tên. Trên thực tế trong thời gian triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT), mỗi DN đều được cấp một tên truy cập và mật khẩu để mở tờ khai TTHQĐT.
Tuy nhiên, khi cơ quan Hải quan tiến hành khảo sát có tình trạng DN đưa tên truy cập và mật khẩu cho đại lý thủ tục để kê khai. Đến khi ký tên, đóng dấu trên tờ khai hải quan vẫn là DN XNK. Phân tích nguyên nhân của tình trạng trên, vấn đề mấu chốt mà cơ quan chức năng đều nhận ra là giữa đại lý hải quan và DN XNK chưa có sự tin tưởng nhau. Mặc dù về góc độ kinh tế thì đại lý đứng tên trên tờ khai hải quan sẽ tiết kiệm chi phí cho mỗi bên.
Các đại lý rất e ngại trường hợp đứng tên trên tờ khai và nộp thuế cho DN XNK đến khi giải phóng hàng DN XNK không thanh toán tiền thuế lại cho đại lý. Đại lý cũng sợ trách nhiệm pháp lý sẽ nặng hơn khi ký tên, đóng dấu trên tờ khai hải quan. Ngược lại, các DN đặc biệt là DN FDI, họ sẵn sàng cung cấp cho đại lý mã truy cập và mật khẩu để mở tờ khai TTHQĐT, nhưng họ cũng rất e ngại khi để đại lý kí tên đóng dấu trên tờ khai. Nguyên nhân là do trình độ nghiệp vụ của nhân viên đại lý hải quan chưa đồng đều, nhân viên có thẻ đại lý hải quan nhưng chưa cập nhật và nắm sâu về chính sách và thủ tục liên quan. Vì vậy, các đại lý hải quan ở Việt Nam chưa đủ độ tin cậy để các DN XNK, nhất là các DN FDI giao phó việc làm thủ tục hải quan cho đại lý này.
Ngoài ra, những vướng mắc trong thủ tục cũng khiến cho việc các đại lý đứng tên trên tờ khai gặp nhiều khó khăn. Qua làm việc với các DN XNK, ông Kha cho biết, đại lý thủ tục hải quan hỗ trợ DN nhiều vì phần lớn những đại lý hải quan đều là công ty giao nhận. Kết hợp dịch vụ đại lý là một phần trong chuỗi dịch vụ cung ứng của các công ty này. Tuy nhiên với vai trò thực sự của đại lý làm thủ tục hải quan rất hạn chế.
Ông Kha lấy ví dụ, một DN nhập gia công, sản xuất XK, do quy mô lớn phải sử dụng 4 đại lý làm thủ tục XNK hàng nhưng khi thanh khoản với cơ quan hải quan thì DN XNK lại là đối tượng thanh khoản. Vì vậy, DN bắt buộc phải ký tên đóng dấu trên tờ khai hải quan thì mới có thể thanh khoản.
Mắc ở đâu?
Đâu là mấu chốt của việc đại lý hải quan chưa phát triển mạnh mẽ?
Ông Daniel Perrier - chuyên gia WCO cho biết: “Vấn đề ở đây là hợp đồng và mối quan hệ hợp đồng giữa hai bên chưa rõ ràng. Trong trường hợp này cơ quan Hải quan có thể hỗ trợ DN xác định vấn đề cần giải quyết thông qua các điều khoản hợp đồng. Bởi cái mà chúng ta muốn làm là tăng cường thương mại để có được lợi ích từ các hoạt động giao thương. Chúng ta phải tạo ra những điều kiện thuận lợi cho những giao dịch đó diễn ra. Làm rõ các mối quan hệ về giao dịch thương mại giữa đại lý và khách hàng”.
Giải pháp mà ông Daniel Perrier đưa ra là phải có một sự bảo đảm rằng những tờ khai do đại lý hải quan làm có chất lượng tốt hơn tờ khai khách hàng làm. Đây là một nguyên tắc.
Ông Daniel Perrier cho rằng, người đại lý và DN XNK không giống nhau. DN XNK có lợi ích trực tiếp với giao dịch từ hàng hóa của họ, nhưng người đại lý thủ tục hải quan chỉ có lợi ích từ việc làm dịch vụ thông quan. Đây là những lợi ích khác nhau. Do đó, phải đưa ra nguyên tắc, quy định có liên quan đến tích chất và ngành nghề kinh doanh. Đại lý hải quan bị ràng buộc bởi tính chất dịch vụ mà họ cung cấp. Nếu như đối xử như nhau sẽ có nhầm lẫn, không rõ ràng giữa trách nhiệm cũng như các dịch vụ.
“Để phát triển được hệ thống đại lý hải quan phải hiểu tính chất, ngành nghề kinh doanh của đại lý hải quan để xác định lợi ích chính của họ trong giao dịch. Từ đó, các cơ quan quản lý phải sáng tạo ra lợi ích cho đại lý hải quan” - ông Daniel Perrier nói.
Ngọc Linh