Mô hình do Trung tâm Khuyến nông thực hiện,ệuquảmhnhnuigantonsinhhọghi bàn đem đến cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch tả châu Phi vừa qua nhiều kỳ vọng cải thiện kinh tế nông hộ.
Mỗi hộ chọn tham gia mô hình được hỗ trợ 50% con giống và 50% thức ăn chăn nuôi ở lần đầu tiên.
Để ổn định kinh tế sau dịch tả châu Phi, nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi sang đối tượng khác. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng triển khai nhiều mô hình giúp nâng cao thu nhập cho người dân, mở ra một hướng mới trong chăn nuôi nông hộ. Trong số đó, phải kể chương trình chăn nuôi gà an toàn sinh học gắn với liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm đã khẳng định hiệu quả kinh tế bước đầu. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mục tiêu của mô hình là nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tăng lợi nhuận ít nhất 10% so với các mô hình khác.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ban đầu triển khai mô hình những hộ được chọn sẽ nhận được sự hỗ trợ 50% con giống và thức ăn chăn nuôi. Quy trình kỹ thuật được thống nhất thực hiện giữa các hộ nuôi. Không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm. Tuân thủ thời gian cách ly trước khi bán ra thị trường, nếu có sử dụng thuốc điều trị bệnh trong quá trình nuôi. Người tham gia mô hình có ghi chép nhật ký theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.
Tại huyện Vị Thủy, mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học gắn với liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm được triển khai trên 4 hộ chăn nuôi ở xã Vị Trung, Vị Thanh, Vị Thủy và xã Vĩnh Thuận Tây. Trong đó, có 1 hộ đã xuất bán với giá 65.000-70.000 đồng/kg. Trong quá trình chăn nuôi, người dân được hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh, quy trình tiêm ngừa, cách làm đệm lót sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường. Hộ dân Sơn Ra Thi, ở ấp 9, xã Vị Trung, là một trong 4 hộ được chọn thực hiện mô hình trên địa bàn huyện Vị Thủy. Đầu tháng 3, anh Thi tận dụng chuồng heo còn trống sau nhà rồi thả nuôi 300 con gà. Nhờ được ngành khuyến nông hỗ trợ 50% con giống và thức ăn chăn nuôi nên chi phí đầu tư ban đầu được tiết giảm khá nhiều.
“Lúc mới nuôi tôi khá lo lắng, nhưng nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật của ngành khuyến nông nên tự tin dần. Từ khâu làm đệm lót sinh học, đến quy trình chăm sóc, phòng bệnh, mọi thứ được hỗ trợ rất kỹ lưỡng. Hơn nữa khi nuôi trên đệm lót sinh học cũng phần nào hạn chế được rủi ro dịch bệnh trên gà. Sau 3-3,5 tháng nuôi là gà có thể xuất bán”, hộ dân Sơn Ra Thi phấn khởi cho hay.
Mới đây, hộ bà Võ Thị Kim Em đã xuất bán 300 con gà nòi lai, với giá 56.000 đồng/kg. Hiện nay bà đang xử lý chuồng nuôi để chuẩn bị tái đàn vào những tháng gần cuối năm. Bà Kim Em nhìn nhận ưu điểm của mô hình này là nuôi gà rất ít hao hụt, hạn chế rủi ro dịch bệnh, thời gian chăn nuôi được rút ngắn hơn.
Còn tại huyện Châu Thành A, hiện ngành khuyến nông đang triển khai trên 4 hộ thuộc 2 xã Thạnh Xuân và Trường Long A, có hộ đang xuất bán và chuẩn bị cho đợt nuôi mới. Được biết, ngành khuyến nông đã tổ chức những buổi tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm cho người dân địa phương về ưu điểm của mô hình này.
Sau khi được tiếp cận với mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học và thấy được hiệu quả, ông Lê Văn Giả, ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, cho biết mô hình giúp gia đình ông tăng thu nhập và mở ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi. Ông Giả vui mừng cho hay: “Mới đó mà tôi đã bán hơn 200 con rồi. Gà lớn mau, rút ngắn thời gian hơn nuôi thả vườn, lại ít rủi ro dịch bệnh vì môi trường được xử lý sạch. Từ lượng thức ăn đến lịch tiêm phòng, trọng lượng được theo dõi kỹ suốt quá trình nuôi. Sau đợt này, tôi sẽ xử lý chuồng, làm lớp đệm rồi tăng đàn nuôi mới, dự định đợt tới sẽ thả từ 500-1.000 con gà. Để có được nguồn con giống đạt chuẩn, tôi sẽ liên hệ với ngành khuyến nông để nhờ giới thiệu nơi cung cấp uy tín”.
Được biết, hiện nay Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang đã xây dựng mô hình trên 13 hộ trong địa bàn tỉnh. Tới đây, ngành dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo và tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi. Việc chuyển đổi vật nuôi để duy trì sản xuất tại các gia trại, trang trại bị dịch tả heo châu Phi sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng về kinh tế, tạo nguồn thu cho các hộ chăn nuôi. Đây cũng là giải pháp tối ưu giúp ổn định nguồn cung thực phẩm do thiếu hụt thịt heo.
Bài, ảnh: KỲ ANH