Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Cô gái dân tộc Thái cảm giác "chết đi từng ngày" nếu không được học
Huyên Nguyễn(Dân trí) - "Không được tiếp cận với giáo dục giống như việc thấy bản thân mình đang chết đi từng ngày vậy", cô nữ sinh dân tộc Thái Cà Thị Cúc miêu tả về mong muốn được đi học.
Câu chuyện của cô nữ sinh dân tộc Thái Cà Thị Cúc cũng chính là minh chứng rõ nét cho sự thành công của dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Sinh ra trong gia đình làm nông ở một ngôi làng hẻo lánh tại tỉnh Sơn La, Cà Thị Cúc (Mai Cúc) trải qua những ngày vượt đường đất, băng qua nghĩa trang để đến trường. Em cảm thấy ra sao?
- Ở bản em, được đi học chính là một sự may mắn. Mỗi ngày, em thức dậy từ 4h để ôn bài, sau đó mới đi bộ trên con đường đất hơn 2km băng qua nghĩa trang để đến trường. Em hầu như chẳng bao giờ ăn sáng, chỉ thi thoảng mới có nắm cơm nguội gói theo.
Gia đình em thuộc hộ cận nghèo của xã, nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Bố Cúc chỉ học đến lớp 5 còn mẹ em thì mù chữ. Chính mẹ là người truyền động lực và từng nói với em rằng: "Chỉ có chăm chỉ học hành mới đưa con đến được nơi con muốn đến và là người con muốn trở thành".
Đối với gia đình gồm năm thành viên khi đó, bố mẹ em đã phải nỗ lực rất nhiều để ba người con được học hành đầy đủ.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020 khiến hy vọng vào tương lai của em đã tan vỡ khi cha mẹ em bất ngờ lần lượt qua đời.
Chuyện đã xảy ra thế nào?
- Ngày 1/4/2020, mẹ em không may qua đời vì một cơn đột quỵ. Hơn 3 tháng sau, ngày 15/7/2020, bố em cũng ra đi do bệnh nặng.
Con đường học tập đã giúp em ra sao?
- Đúng vào thời điểm bấp bênh của cuộc đời, em biết đến Trường đào tạo nghề hoạt động với sứ mệnh giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trở thành những người có học vấn và tự tin.
Đối với Cúc: "Không được tiếp cận với giáo dục giống như việc thấy bản thân mình đang chết đi từng ngày vậy. Em tự ý thức được rằng cần phải học để mỗi ngày đều trở nên tốt hơn. Em không thể sống vui vẻ và lành mạnh khi không có tri thức, dù ít hay nhiều thì 1% vẫn là cố gắng".
Cô gái dân tộc thiểu số có khát vọng học tập mãnh liệt đã theo học nghề 18 tháng tại đây và tiếp tục nuôi ước mơ học đại học. Cúc mong muốn tiếp tục học lên cao để có thể quay lại nơi mình sinh ra, giúp các em nhỏ trong bản có thêm động lực đi học và truyền cảm hứng cho bản làng về tầm quan trọng của giáo dục.
Sau đó, cô nàng nộp hồ sơ xin học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT và cô đã thành công.
"Lúc đó em chỉ biết nhìn lên trời và thốt lên rằng, bố mẹ ơi, bố mẹ có đang nhìn thấy con không, con đã làm được rồi này, con biết bố mẹ cũng sẽ tự hào về con lắm", cô gái nhỏ hồi tưởng lại, đôi mắt lấp lánh ngập tràn niềm vui.
Ông Jimmy Phạm - nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của KOTO - là người đầu tiên Mai Cúc chia sẻ về tin vui này.
Ông nói: "Học bổng này là sự tôn vinh tinh thần không thể khuất phục được của em, một cô gái dân tộc thiểu số kiên cường - người thường xuyên bị cho là sẽ không bao giờ đạt được điều gì, và giờ đây có cơ hội thắp lại ước mơ của mình một lần nữa".
Ông miêu tả hành trình của Cúc từ vực sâu mất mát đến đỉnh cao học tập nhắc nhở chúng ta rằng không có trở ngại nào là không thể vượt qua khi bạn có một ước mơ đáng để theo đuổi.