Người lao động tự do tại phường 8, quận 5, TPHCM nhận tiền hỗ trợ Covid-19 ngày 8/7/2021. Ảnh Mai Hoa |
Gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 09 của HĐND TPHCM về hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 (Gói hỗ trợ lần 2 của TPHCM) có quy mô 886 tỷ đồng, hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, bao gồm 230.000 lao động tự do.
Địa phương có tiến độ chi trả gói hỗ trợ sớm nhất là quận 5. Đến nay, quận đã chi hỗ trợ cho gần 6.000 người trong tổng số 6.300 người lao động tự do trên địa bàn (95%), với số tiền gần 9 tỷ đồng. Ngoài mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, quận 5 còn tặng thêm mỗi người 5 kg gạo.
Quận 12 là địa phương đạt 105% tỷ lệ giải quyết hỗ trợ. Qua thống kê ban đầu, quận có gần 4.500 người lao động tự do. Trên thực tế, quận đã liên tục cập nhật bổ sung người lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn và đến nay đã hỗ trợ hơn 4.700 người với số tiền hơn 7 tỷ đồng.
Trong 5 huyện của TPHCM, huyện Cần Giờ có tiến độ thực hiện gói hỗ trợ cao nhất (73%), đã hỗ trợ cho 4.160 người trong tổng số hơn 5.700 người lao động tự do.
Ông Tấn cho biết, các quận huyện đang đẩy mạnh tiến độ triển khai gói hỗ trợ, việc hỗ trợ diễn ra liên tục các ngày, không nghỉ ngày cuối tuần. Yêu cầu đặt ra là trước ngày 15/7, toàn TPHCM phải hoàn tất việc hỗ trợ đối với 230.000 người lao động tự do.
Theo thống kê, trong tổng số đối tượng lao động tự do được hưởng trợ cấp đợt này có khoảng 20.300 người đi bán vé số, trong đó có 8.000 người từ tỉnh vào thành phố tạm trú. Tuy nhiên, để được hỗ trợ, những người bán vé số phải có xác nhận tạm trú của công an khu vực. Những người chưa có xác nhận tạm trú sẽ xem xét hỗ trợ sau.
Ngoài ra, Sở LĐTB-XH TPHCM đã có đề xuất khẩn với UBND TPHCM để xem xét, quyết định hỗ trợ cho lao động tự do là người chạy xe ôm truyền thống 2 bánh (trừ xe công nghệ), xe xích lô chở khách bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Qua thống kê, TPHCM có 33.000 người làm xe ôm truyền thống và 1.000 người chạy xe xích lô chở khách.
Theo ông Tấn, đây là nhóm lao động yếu thế, công việc và thu nhập bấp bênh, không ổn định. Họ không sử dụng công nghệ để tìm kiếm khách, mà chủ yếu hoạt động tại các địa điểm cố định như chợ, bến xe, các dịch vụ lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, các địa điểm vui chơi, giải trí, các địa điểm du lịch, tham quan, sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch, phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng… Trong khi những điểm này phải dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19.
Trong thời gian giãn cách, nhóm lao động này cơ bản bị mất việc làm, thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu, hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 đã chi 3,9 tỷ đồng để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người yếu thế, hộ khó khăn trong giai đoạn áp dụng chỉ thị 16. Mỗi phần quà nhu yếu phẩm là 300.000 đồng/người.