Thương mại thế giới không còn như trước. Điều đó là tất nhiên do đại dịch Covid-19, tuy nhiên, trên hết là do ảnh hưởng của những cuộc xung đột. Người đứng đầu quỹ đầu tư lớn nhất nhì thế giới với hơn 10.000 tỷ USD tài sản BlackRock, ông Larry Fink viết rằng: "Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho quá trình toàn cầu hóa mà chúng ta đã trải qua trong ba thập kỷ qua". Khi gửi đến các cổ đông nội dung trên, ông Larry Fink đề cập đến những vấn đề rất thực tế đang được đặt ra, đó là an ninh năng lượng, chủ quyền công nghiệp và lạm phát do sự tái tổ chức trên quy mô lớn các chuỗi cung ứng. Những điều này đã tạo ra một trật tự quốc tế mới, trong đó sự phân mảnh sẽ gây ra những hậu quả mang tính cơ cấu đối với các quốc gia mới nổi. Quá trình toàn cầu hóa rõ ràng dừng lại hơn một thập kỷ trước, thay vào đó là những nghịch lý của phi toàn cầu hóa. Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), dự báo mức trao đổi thương mại hàng hóa sẽ tăng 3% vào năm 2022, thấp hơn mức tăng trưởng toàn cầu, có thể là 4%. Nếu quan sát kỹ hơn sẽ thấy thương mại đã phát triển với tốc độ chậm hơn một chút so với sản xuất. Điều này cho thấy thực sự là một hình thức phi toàn cầu hóa đang hình thành. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phi toàn cầu hóa như nhu cầu sản xuất gần gũi hơn với người tiêu dùng, mức lương tăng ở các nước mới nổi, sự tập trung của các nhà sản xuất Trung Quốc vào thị trường nội địa của họ, nhận thức về sự mong manh của các chuỗi sản xuất kéo dài... khiến chủ nghĩa bảo hộ trở lại ở nhiều nước. Phi toàn cầu hóa mang lại những cơ hội và cả rủi ro. Đây có thể là cơ hội để xây dựng một mô hình kinh tế bền vững hơn, dựa trên các ngành công nghiệp địa phương và chuỗi cung ứng ngắn hơn, ít tiêu tốn năng lượng hơn. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng này cũng cần được cân bằng và với sự tham gia của các quốc gia mới nổi. Lạm phát gia tăng sẽ khiến lãi suất tăng, điều này sẽ khiến dòng vốn đầu tư chuyển hướng sang các sản phẩm và thị trường ổn định hơn, gây bất lợi cho các nước mới nổi, vốn được coi là khu vực rủi ro hơn. Sự khan hiếm nguồn vốn tài trợ có nguy cơ làm suy yếu quá trình công nghiệp hóa của các quốc gia này. Xu hướng phi toàn cầu hóa cũng không có gì mới nhưng việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine lại mang đến dấu hiệu của một thực tế khác, đó là sự phân mảnh của thế giới. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva gần đây đã nói về "rủi ro ngày càng tăng" đó là "sự phân mảnh của kinh tế toàn cầu thành các khối địa chính trị, với các tiêu chuẩn kinh doanh và công nghệ, hệ thống thanh toán và tiền tệ dự trữ khác nhau". |