Đọc sách được xem là một nét văn hóa từ bao đời,ềugiảiphphayphthuyvănhađọbxh bundes nhưng ngày nay, với ngồn ngộn thông tin trên rất nhiều phương tiện, liệu đọc sách có còn được mọi người đặt lên hàng quan trọng?
Hình ảnh này chỉ thấy ở Thư viện tỉnh. Muốn đọc sách phải tìm đến thư viện. Có bạn đọc, thư viện mới có thể tồn tại. Xác định được điều này, nên từ khi chia tách tỉnh, dù gặp rất nhiều khó khăn, từ địa điểm, nhân lực, vốn sách, nhưng Thư viện tỉnh Hậu Giang vẫn luôn tìm mọi cách để đưa sách đến độc giả. “Thượng điền”… rộng mở Ghé thăm Thư viện tỉnh Hậu Giang bất kỳ thời điểm mở cửa nào, cũng có bạn đọc. Đông nhất vẫn là buổi tối. Ở vị trí thuận lợi, gần trường học, dân cư đông, nên thư viện thu hút bạn đọc đến khá nhiều. Chị Trần Thị Thu Nguyên, Trưởng phòng Công tác Bạn đọc, Thư viện tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Bạn đọc đa dạng, nhiều nhất vẫn là lực lượng học sinh. Không chỉ đến đây đọc sách, bạn đọc còn mượn sách về nhà. Dù chật hẹp, nhưng ở đây cũng dành không gian để bạn đọc học bài, làm bài tập…”. Vài năm nay, thư viện được tài trợ 40 máy tính có kết nối internet miễn phí để phục vụ bạn đọc, lượng độc giả đến đây đều đặn và đông đúc hơn. Từ đó, đội ngũ của những người làm công tác thư viện cũng được tăng cường chuyên môn nghiệp vụ, quan tâm đặc biệt đến công tác phục vụ bạn đọc. Từ đó, việc giới thiệu sách mới tại chỗ, trưng bày sách chuyên đề vào những ngày lễ, kỷ niệm trong năm, giới thiệu sách trên website của thư viện, trên Báo Hậu Giang… Đặc biệt, trên website của thư viện luôn cập nhật những thông tin của ngành, việc cấp, phát thẻ bạn đọc, giới thiệu sách mới cũng như tra cứu tài liệu, tra cứu tài liệu số hóa… Không chỉ vậy, Thư viện tỉnh còn được Trường Cao đẳng Cộng đồng hỗ trợ địa điểm mở cơ sở 2 tại trường, để phục vụ đối tượng và giảng viên, sinh viên… Điểm này cũng đang từng bước thu hút sự quan tâm và lượng bạn đọc khá ổn định. Cùng với đó, hàng năm, Thư viện tỉnh luôn quan tâm đến việc tổ chức tập huấn cho cán bộ thư viện cơ sở, hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để tuyến dưới được luân chuyển sách. Hệ thống phòng đọc sách xã, phường, thị trấn từng bước được quan tâm và nâng cấp lên thư viện, với vốn sách trên dưới 3.000 quyển, nhiều thể loại. Đây là những điều kiện thuận lợi, không chỉ có sự quan tâm của ngành thư viện, mà còn có sự chung tay của địa phương, các ngành, các cấp có liên quan trong việc xây dựng vốn tài liệu, tạo điều kiện tối đa để hệ thống thư viện phát huy việc phục vụ bạn đọc. Tất cả đều mong muốn kéo gần khoảng cách giữa bạn đọc và sách - vốn tri thức quý báu. “Hạ điền” vẫn khan Nếu như tại Thư viện tỉnh lượng bạn đọc ổn định, trung bình mỗi ngày tiếp gần 200 bạn đọc, thì thư viện huyện, đặc biệt là hệ thống thư viện xã, phường, thị trấn, lượng bạn đọc giảm dần. Khảo sát mấy thư viện xã được xem là hoạt động tốt trong hệ thống thư viện cơ sở, đó là Thư viện xã Vĩnh Thuận Tây, Vị Thanh, Vị Bình (huyện Vị Thủy); Hiệp Hưng (Phụng Hiệp)…, điều nhận thấy ở những điểm này là người phụ trách thư viện nhiệt tình, đam mê nghề và luôn nghĩ nhiều cách để kéo độc giả đến. Anh Dương Văn Đỏ, cán bộ văn hóa, xã hội xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ, làm công tác văn hóa, nhưng anh có khá nhiều năm phụ trách mảng thư viện, anh luôn xác định việc tìm kiếm bạn đọc, tạo môi trường thông thoáng để độc giả đến thư viện là điều khiến anh luôn trăn trở. Từ đó, không chỉ sắp xếp sách, bàn ghế gọn gàng, sạch sẽ, niềm nở với bạn đọc, anh còn chọn những quyển sách hay để đọc trên trạm truyền thanh của xã với mong muốn người dân biết mà tìm đến. Hàng năm, UBND xã hỗ trợ từ 3-5 triệu đồng để trang bị thêm sách, anh luôn bám sát nhu cầu của những người đến đây để trang bị sách cho phù hợp… Cùng suy nghĩ như anh Đỏ, chị Châu Thị Hoàng Hoa, cán bộ quản lý nhà văn hóa, kiêm phụ trách Thư viện xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Ngoài việc giới thiệu sách trên đài, tôi còn chọn triển lãm những sách cùng nội dung vào những ngày lễ trong năm, để thu hút người đọc đến và sắp xếp sách đẹp mắt, tạo sự thoải mái cho người đọc”. Không thuận lợi khi có được không gian thông thoáng như ở Hiệp Hưng, Vị Trung, Thư viện xã Vĩnh Thuận Tây chưa được xây dựng mới, lại cũ kỹ, nằm khuất, nên việc tìm bạn đọc càng khó khăn hơn. Thế nhưng, với lòng yêu sách, thích công việc, chị Nguyễn Thị Quyên, người phụ trách thư viện, cũng cố gắng làm mọi cách có thể để mong có bạn đọc tìm đến… Dù làm nhiều cách để thu hút bạn đọc, nhưng những thư viện này bạn đọc đến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thư viện được quan tâm đã vậy, những nơi ít quan tâm lại càng “thảm” hơn. Chúng tôi từng ghé thăm nhiều thư viện cấp xã, phường, thị trấn và không ít lần chứng kiến cảnh không người ở những nơi này. Khi hỏi về thư viện, cán bộ văn hóa xã chia sẻ: “Có ai đến đọc đâu chị ơi”, cũng là chuyện thường xuyên, nghe mà buồn… Đó là chưa kể đến nhiều thư viện đóng cửa, bụi bám đầy trên kệ sách, bàn, ghế… Điều này càng làm cho người đọc vốn đã ít ngày càng ít hơn. Bà Lê Thị Thùy Dương, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Hậu Giang, cho biết: Thấy được những khó khăn của thư viện cấp xã, phường, thị trấn, nên Thư viện tỉnh chỉ yêu cầu mỗi tuần mở cửa 3 ngày thứ hai, tư và sáu, nhằm giảm áp lực. Nhưng điều này cũng không làm thay đổi và việc “khan” độc giả ở hệ thống thư viện cơ sở vẫn xảy ra hàng ngày, trong khi trên 90% phòng đọc sách xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã được nâng cấp thành thư viện, với đầu sách tối thiểu là 1.500 quyển… Bài, ảnh: VĨNH TRÀ Bài 2: Nhọc nhằn đưa sách đến độc giả |