Ông đánh giá như thế nào về vị trí của Việt Nam so với các nước trong khu vực về năng lực cạnh tranh cũng như việc cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp?
Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 mới được công bố thời gian gần đây, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn có nhiều điểm mà chúng ta chưa thực sự hài lòng. Trong tương quan so sánh với các nền kinh tế hàng đầu của ASEAN thì Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa. Xét về năng lực cạnh tranh, nếu chúng ta muốn xếp thứ 4 trong 4 nền kinh tế hàng đầu trong khu vực hiện nay thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Cụ thể, nền kinh tế thứ 4 hiện đang xếp hạng thứ 36 trong khi hiện nay Việt Nam mới xếp thứ hạng 55, như vậy còn 21 bậc nữa Việt Nam mới bắt kịp được nền kinh tế đang xếp hạng thứ 4 trong 4 nền kinh tế hàng đầu khu vực hiện nay. Và điều đó cho thấy, Việt Nam cần có những nỗ lực vượt bậc mới bắt kịp với những nền kinh tế hàng đầu ASEAN về thể chế, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Hiện Chính phủ đã có nhiều hành động để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh qua việc đặt ra những kỳ vọng về thăng bậc trong các bảng xếp hạng và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành địa phương. Trong đó, xác định mục tiêu phấn đấu của các bộ, ngành địa phương phải đo đếm được bằng những chỉ số xếp hạng trên trường quốc tế, từ đó chúng ta phải tìm ra những giải pháp để đạt được mục tiêu này.
Có thể nói, cùng với áp lực cải thiện từ Chính phủ, từ các bộ, ngành sẽ giúp thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Đặc biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được Chính phủ đặt mục tiêu thực hiện khi ban hành các Nghị quyết 19. Đối với cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Như vậy, chúng ta đang đặt sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu và hướng tới mục tiêu, đặt mình trong hệ thức toàn cầu, trong đó, 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc được coi là nền tảng. Từ đó, chúng ta căn cứ vào chương trình này để đề ra hệ chương trình hành động của Việt Nam thực hiện những mục tiêu này.
Nói như vậy thì bản thân doanh nghiệp phải có ý thức, có chiến lược để phát triển bền vững, ông đánh giá như thế nào về việc phát triển bền vững của các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay, thưa ông?
Trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cộng đồng doanh nghiệp phải đóng vai trò quan trọng, thậm chí với tư cách là trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chúng ta không sợ quy mô nhỏ, chúng ta chỉ sợ không đạt chuẩn. Nếu không hướng tới mô hình phát triển bền vững thì không thể hội nhập. Nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam còn khoảng cách khá xa với các doanh nghiệp toàn cầu, nhưng về chuẩn mực, tôi mong muốn doanh nghiệp hướng tới những tiêu chuẩn cao hơn.
Trong kết quả khảo sát PCI vừa qua, chúng tôi có nghiên cứu về chất lượng quản trị doanh nghiệp. Trong tương quan với các nước trong khu vực thì chất lượng quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam tương đối thấp do đó cần phải có sự nỗ lưc nhiều hơn từ phía doanh nghiệp trong việc vươn tới những chuẩn mực về quản trị công nghệ toàn cầu và phải đảm bảo thay đổi được mô hình quản trị kinh doanh của doanh nghiệp hướng theo mục tiêu phát triển bền vững. Và với hướng đi này, căn cứ vào bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp bền vững của Ủy ban doanh nghiệp toàn cầu, chúng tôi đã cụ thể hóa thành bộ chỉ số về phát triển doanh nghiệp bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, bộ chỉ số này được thiết kế theo kiểu “đo ni đóng giầy” phù hợp với thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn mà còn phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Và chúng tôi rất mừng trong thời gian vừa rồi khi chúng tôi phổ biến tuyên truyền về bộ chỉ số này hàng trăm doanh nghiệp đã tham gia, đã sẵn sàng và tự nguyện “đo” mình theo các chuẩn mực phát triển bền vững của toàn cầu. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị triển khai rộng rãi trên tất cả các doanh nghiệp ở các địa phương và ở mọi quy mô kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có thể đến được với bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp bền vững và thiết kế lại, tái cấu trúc lại để đảm bảo thực hiện các bộ chỉ số này để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông đánh giá như thế nào và xây dựng mục tiêu về phát triển bền vững của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian vừa qua?
Trước hết phải nói rằng, động lực chính trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới hiện nay và trong tương lai sẽ vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đây là khu vực có thể tạo ra nhiều việc làm nhất và năng động nhất trong điều kiện thế giới có nhiều biến động. Tất cả các mục tiêu phát triển bền vững đều có vai trò của doanh nghiệp. Chính vì vậy, chính sách của Việt Nam phải hướng tới việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trước hết, chúng ta cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực như các doanh nghiệp lớn. Thứ hai là phải xây dựng các chương trình hỗ trợ về tín dụng, công nghệ và quản trị cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở đây có vai trò quan trọng không chỉ của các cơ quan Chính phủ mà còn là vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và bản thân các doanh nghiệp. Chúng ta vẫn nói về nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh mới là nền kinh tế liên kết theo chuỗi các giá trị và vai trò của các doanh nghiệp lớn được đánh giá là vai trò chủ đạo. Các doanh nghiệp đứng đầu trong chuỗi giá trị có trách nhiệm cùng với các hiệp hội, các cơ quan của Chính phủ hỗ trợ nâng cấp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể liên kết tham gia được quá trình toàn cầu hóa, đó là hướng đi hết sức quan trọng.
Xin cảm ơn ông!