Nụ cười trong mưa Ngâu Báo cáo về thị trường bất động sản quý III/2014 do Công ty Savills Việt Nam công bố cuối tuần qua có khá nhiều tin vui. Vui nhất là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giải ngân mạnh trở lại trong 9 tháng đầu năm nay, với 8,9 tỷ USD, trong đó có 1,2 tỷ USD chảy vào lĩnh vực bất động sản. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng bộ phận nghiên cứu định giá (Công ty Savills Việt Nam) nhận xét, kinh tế vĩ mô Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và tổng cầu nền kinh tế bắt đầu tăng trở lại. Nhiều chỉ số kinh tế quan trọng có dấu hiệu cải thiện, cụ thể, GDP quý III/2014 đạt mức tăng trưởng 6,2%, thặng dư thương mại đạt gần 3 tỷ USD... Tỷ lệ thuận với những con số đó là kết quả bán hàng tốt trong lĩnh vực bất động sản cả ở Hà Nội lẫn TP.HCM, bất chấp những quan niệm tránh mua nhà trong tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch). Tại Hà Nội, kết quả bán hàng tốt của các dự án hạng B và C khiến số căn hộ đã bán của toàn thị trường tăng 58% theo quý. 7 quận có mức giá tăng trung bình 2,7% theo quý, trong khi 5 quận khác có mức giá giảm trung bình 1,5% theo quý. Những nhà đầu tư và nhà đầu cơ đã quay trở lại thị trường, bên cạnh những người mua có nhu cầu ở thực. Tại TP.HCM, trong quý III/2014, 10 dự án mới và 4 dự án cũ đã chào bán thêm 4.600 căn hộ, tăng 19% theo quý và 103% theo năm. Trong đó, có khoảng 3.280 căn hộ được bán thành công, tăng 29% theo quý và 85% theo năm. Đây là lượng giao dịch thành công tốt nhất kể từ quý IV/2010. Niềm vui không trọn Bên cạnh những tín hiệu vui, trên thị trường bất động sản quý III/2014 cũng có không ít vụ việc khiến người mua nhà phải băn khoăn, suy nghĩ về quyết định của mình. Trong đó, trước hết phải kể đến việc Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) đã trì hoãn phiên xét xử vụ tranh chấp mua bán căn hộ giữa khách hàng với Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina, chủ đầu tư Dự án Keangnam Landmark Tower. Lý do mà tòa đưa ra đơn giản là do thẩm phán không thể liên lạc được với Hội thẩm nhân dân. Việc trì hoãn này ảnh hưởng mạnh đến niềm tin của khách hàng vào tính nghiêm minh và pháp luật. Vụ việc đã được Tòa án Nhân dân huyện Từ Liêm (cũ) thụ lý từ tháng 7/2012, song sau hơn 2 năm, vẫn không thể xét xử, dù tính chất không thực sự phức tạp. Sự kiện thứ hai khiến niềm tin, tâm lý của người mua nhà bị ảnh hưởng là câu chuyện Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh, chủ đầu tư Dự án Golden Palace (tại Mễ Trì, Hà Nội) yêu cầu khách hàng phải ký quỹ, đóng tiền với số tiền phải nộp lên tới hàng trăm triệu đồng. Cụ thể, tại thời điểm bàn giao nhà trong quý III/2014, chủ đầu tư Dự án Golden Palace bất ngờ đưa ra quy định mới áp dụng cho 600 căn hộ được bán theo gói sản phẩm “không gian sáng tạo”. Đó là, nếu muốn chủ đầu tư hoàn thiện nhà, thì khách hàng phải nộp cho chủ đầu tư khoản bảo lãnh ngân hàng có giá trị tương ứng 200 triệu đồng trong thời gian hoàn thiện. Còn nếu muốn tự hoàn thiện, thì khách hàng cũng phải nộp khoản bảo lãnh ngân hàng là 25 triệu đồng/căn hộ. Đồng thời, chủ đầu tư cũng đưa ra danh sách 5 nhà thầu để giới thiệu cho khách hàng lựa chọn. Khách hàng chỉ được lựa chọn 1 trong số 5 nhà thầu, không được tìm nhà thầu khác. Giải thích quy định mới trên, bà Nguyễn Minh Hồng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh cho biết, nhiều khách hàng mua gói sản phẩm “không gian sáng tạo” rất hào hứng muốn sớm nhận nhà; song có một số khách hàng lại chưa muốn nhận (có thể đó là các nhà đầu cơ, họ không có nhu cầu ở, vì vậy, tìm mọi lý do để từ chối nhận nhà, bởi nếu nhận nhà lúc này, khách hàng tiếp tục đóng thêm 32% giá trị còn lại của hợp đồng). “Chủ đầu tư không được hưởng lợi từ số tiền ký quỹ nộp vào ngân hàng để bảo lãnh cho công tác thi công, bồi thường hư hỏng, thiệt hại cho công trình (nếu có)”, bà Hồng nói. Thị trường bất động sản ít nhiều đã có tín hiệu vui, song đây đó còn có những sự cố, vụ việc khiến khách hàng phải băn khoăn, lo lắng về quyền lợi của mình cũng như phải tìm cách đối phó với cách ứng xử chưa hoàn toàn minh bạch của một số chủ đầu tư. Hà Quang |