Chuỗi cung ứng Việt Nam phản ứng thế nào trước đại dịch Covid-19 | |
Nếu Covid-19 kết thúc vào giữa năm, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ hết “ngủ đông” | |
TPHCM khuyến nghị người dân tăng cường thể dục khi ở nhà tránh Covid-19 | |
Bệnh nhân mắc Covid-19 số 241 là du học sinh trở về từ Anh |
Đến thời điểm hiện tại, số ca mắc Covid-19 của Việt Nam là 241 ca, trong đó có 91 ca điều trị thành công; số ca âm tính lần 1là 29 ca; số ca âm tính lần 2 là 23 ca.
Sau nhiều ngày các ca mắc Covid-19 tăng nhanh, từ ngày 5 đến nay Việt Nam chỉ ghi nhận 1 ca. |
Nói về tín hiệu có phần khả quan trong cuộc chiến chống dịch khi số ca mắc có dấu hiệu giảm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phân tích do Covid-19 lây chủ yếu qua tiếp xúc gần, do vậy cách ly xã hội là biện pháp quyết liệt và hiệu quả nhất để cắt đứt con đường lây lan của virus.
“Nếu trong 2- 4 tuần, Việt Nam làm tốt việc giãn cách xã hội, sẽ kiểm soát được dịch bệnh. Các gia đình, cá nhân tùy theo điều kiện và hoàn cảnh, nên lập kế hoạch sử dụng hợp lý và khoa học thời gian biểu của mình trong giai đoạn này”, PGS. Nga khuyến nghị.
Chuyên gia này nhận định nếu qua 15 ngày cách ly vẫn có các ca bệnh mới, chúng ta tiếp tục bao vây, dập tắt ổ dịch và có khả năng phải thực hiện giãn cách xã hội.
“Nếu không có ca bệnh mới, về cơ bản, ta đã khống chế được dịch trên lãnh thổ Việt Nam và có thể xem xét việc ngừng giãn cách xã hội. Khi đó, chúng ta tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới để khóa chặt các ca bệnh từ ngoài vào, cố gắng duy trì cho đến khi dịch bệnh trên thế giới thoái lui”, PGS. Nga cho biết.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng bình luận, các đại dịch có sự phát sinh, lên đỉnh và thoái lui. Những dịch cúm trước đây thường kéo dài 1-2 năm. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia dịch tễ học quốc tế, đại dịch Covid-19 có thể tăng nhanh trong vài tháng tới rồi kéo dài đến hết năm nay và điểm cuối của dịch có thể sang năm 2021.
Bình luận về việc số ca mắc hai ngày qua tăng chậm, ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, còn khá sớm để có thể đánh giá tình hình bởi số ca mắc còn phụ thuộc vào công cụ tìm kiếm. Lo ngại nhất hiện nay là các mầm bệnh vẫn còn ở trong cộng đồng.
Ông lấy ví dụ trường hợp bệnh nhân người Thụy Điển là chưa kiểm soát được, không biết nguồn lây bệnh F0 ở đâu và F0 đã được kiểm soát hay chưa.
“Dù sao việc ghi nhận số ca mắc giảm cũng là một tín hiệu tốt. Ngược lại, nếu chúng ta tiếp tục ghi nhận các ca mắc cũng không lo ngại lắm bởi nó là điều bình thường”, PGS. Nhung nói.
Giám đốc Bệnh viện Phổi nhấn mạnh, ở giai đoạn một, mục tiêu của chúng ta là làm chậm thời gian xuất hiện dịch, từ đó làm chậm quá trình bùng phát dịch. Còn ở giai đoạn này là thực sự quyết định. Nếu không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như ở các nước.
Ở một khía cạnh khác, PGS. TS. Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nay, virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 tại Việt Nam đã có sự biến đổi và tiến hóa so với giai đoạn đầu của dịch Covid-19.
PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai cho biết, khi phân tích các virus trên bệnh phẩm từ các bệnh nhân, kết quả cho thấy, virus gây bệnh đã tách thành hai nhóm khác hẳn nhau.
Giai đoạn trước, các bệnh nhân là những người về từ châu Á, còn giai đoạn hiện nay, các bệnh nhân nhiễm virus có nguồn gốc bắt đầu từ châu Âu chiếm đa số. Virus mà Việt Nam phân lập được trên ca bệnh Covid-19 về từ châu Âu có sự khác biệt với virus gây bệnh tại châu Á.
Tuy nhiên, về độc lực và khả năng lây bệnh có nhanh hơn hay không của từng nhóm virus SARS-CoV-2 thì Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết hiện chưa nói được điều gì và sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm.
Sau cùng, khẳng định để dịch không bùng phát, các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dân cần phải nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội và làm theo những khuyến cáo từ Bộ Y tế như không tiếp xúc gần; không đi ra ngoài khi cảm thấy không thực sự cần thiết; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng; luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc và luôn đứng cách xa người khác 2 m; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn.