Chiều 19/7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Ban Chỉ đạo thi quốc gia 2018, đã họp với lãnh đạo Ban Chỉ đạo thi và các đơn vị liên quan để tiếp tục chỉ đạo xử lý các sai phạm xảy ra trong khâu chấm thi tại tỉnh Hà Giang và nghi vấn sai phạm tại một số địa phương khác.
"Không có vùng cấm"!
Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định việc xảy ra tại Hà Giang vừa qua là cảnh tỉnh đối với những người làm công tác tổ chức thi. Nhằm bảo đảm sự khách quan, trung thực, công bằng của kỳ thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chấm thẩm định bài thi THPT quốc gia năm 2018 theo đúng quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành.
"Trong quá trình chấm thẩm định, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, đồng thời phối hợp với cơ quan công an khẩn trương làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Đối với thí sinh, khi có kết quả chấm thẩm định phát hiện sai phạm, cho dù đã nhập học sau đợt xét tuyển ĐH, CĐ sắp tới đây thì vẫn phải xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi" - Bộ trưởng nói.
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu Thanh tra bộ kiểm tra, đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp được giao nhiệm vụ thanh tra, giám sát trong quá trình chấm thi bỏ vị trí, không hoàn thành nhiệm vụ. "Chúng ta quyết tâm làm nghiêm túc để trả lại công bằng cho học sinh, niềm tin cho nhân dân đối với một kỳ thi mà chính học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhân dân đã ủng hộ và đồng hành. Sẽ không có vùng cấm" - ông Nhạ nhấn mạnh.
Qua mặt TP HCM, Hà Nội
Sau Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn bị rà soát kết quả thi, một số tỉnh, thành khác trên cả nước cũng rộ lên nghi vấn về kết quả thi bất thường. Thống kê dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2018 do Bộ GD-ĐT công bố cho thấy Hòa Bình cũng là một trong những địa phương có thứ hạng cao về tỉ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên các môn toán, lý, hóa cũng như số lượng thí sinh trên 27 điểm ở một số khối thi.
Năm nay, Hòa Bình có hơn 8.900 thí sinh dự thi môn toán nhưng có tới 27 thí sinh đạt điểm 9 trở lên, chiếm tỉ lệ 0,3%, cao gấp 5 lần tỉ lệ chung của cả nước là 0,06%, Hà Nội là 0,1%, TP HCM là 0,04%. Bên cạnh đó, số lượng điểm 9 trở lên ở môn toán của tỉnh Hòa Bình tương đương với số điểm 9 trở lên của TP HCM và cao gấp 2,3 lần số điểm 9 trở lên của Nam Định. Điều đáng nói là số thí sinh tham dự môn toán của TP HCM cao gấp 11 lần so với Hòa Bình. Ở môn lý và hóa, kết quả cũng tương tự như vậy khi điểm thi của Hòa Bình cũng cao hơn các thành phố nằm trong nhóm có điểm trung bình các môn thi này cao nhất cả nước như TP HCM, Nam Định...
Ngoài ra, nếu xét theo khối thi A1 (toán, lý, tiếng Anh), cả nước có 82 thí sinh đạt mức điểm 27 trở lên, tức trung bình mỗi môn 9 điểm thì Hòa Bình cũng "đóng góp" 9 thí sinh trong danh sách này, chiếm 11%. Đây cũng là một trong những tỉnh có số lượng thí sinh đạt điểm từ 27 trở lên, cao vượt trội so với các tỉnh, TP khác như Hà Nội (4 thí sinh, chiếm 4,88%), TP HCM và Nam Định (mỗi nơi 2 thí sinh, chiếm 2,44%). Ở khối C03 (toán, ngữ văn, lịch sử), cả nước chỉ có 10 trường hợp thí sinh có mức điểm trên 27 thì Hòa Bình có 2 thí sinh. Ở khối D09 (toán, lịch sử, ngoại ngữ), cả nước có 10 thí sinh có mức điểm trên 27 điểm thì Hòa Bình có 4.
Đáng chú ý, khi trung bình điểm thi môn toán của Hòa Bình nằm trong tốp thấp nhất cả nước với 3,7 điểm, thấp hơn rất nhiều với mức trung bình chung của cả nước là 4,86. Trong khi đó, Nam Định có điểm trung bình môn toán cao nhất, TP HCM xếp thứ 2 còn Hà Nội xếp thứ 10.
Tại khu vực phía Nam, Bạc Liêu cũng là địa phương khiến dư luận hoài nghi về kết quả khi bất ngờ vượt lên vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành về điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia 2018. UBND tỉnh này cũng đã chỉ đạo kiểm tra.
"Tổ chức thi rất nghiêm ngặt" (?) Chiều 19-7, tổ công tác của Bộ GD-ĐT đã đến Sơn La để làm việc với Sở GD-ĐT về những bất thường trong điểm thi của tỉnh này. Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Sơn La, khẳng định toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất kỳ tiêu cực nào. Những ngày qua, sở đã chỉ đạo lực lượng cán bộ rà soát lại toàn bộ quy trình. Về kết quả điểm thi cao nổi bật so với các năm trước là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các thầy cô, các em học sinh và ngành giáo dục tỉnh nhà. Tuy nhiên, trái với phát ngôn của ông Đức, dư luận lại bày tỏ sự lo ngại đối với những điểm thi bất thường của thí sinh tỉnh này. Thống kê cho thấy rất nhiều thí sinh chỉ có học lực khá hoặc thí sinh tự do đã tốt nghiệp nhiều năm của Sơn La lại đồng loạt có điểm cao chót vót: sử 9,75, toán 9, văn 8… |