Huy động gần 400.000 tỷ đồng cho CTMTQG Đánh giá cao những kết quả đạt được của Chính phủ trong năm 2017, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đặc biệt nhấn mạnh kết quả việc Chính phủ đã huy động được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia cùng nguồn vốn ngân sách thực hiện các CTMTQG lên tới hơn 64.233 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với nguồn vốn ngân sách trung ương cho các chương trình này. Một kết quả nổi bật nữa trong năm qua là việc hoàn thiện khung khổ văn bản pháp lý cho cả giai đoạn 2016 - 2020 với bộ tiêu chí mới về nông thôn mới, tiếp cận đa chiều về giảm nghèo bền vững và theo kế hoạch đầu tư công trung hạn; bộ máy chỉ đạo điều hành hoàn thiện, thông suốt từ trung ương tới địa phương; nhiều cách làm mới, mô hình hay gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế bền vững,... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế tác động đến tiến độ thực hiện các chương trình năm 2017. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng văn bản quy phạm trong quản lý, điều hành thực hiện các CTMTQG tại một số bộ và một số địa phương chưa đảm bảo tiến độ làm ảnh hưởng đến công tác phân bổ, sử dụng vốn và lúng túng trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Việc triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đến các đơn vị, các cấp trực thuộc ở một số địa phương còn chậm. Đặc biệt là, kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) của một số địa phương chưa đạt kế hoạch. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đặng Ngọc Dung cũng đề nghị cần làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm cho chương trình giảm nghèo bền vững khi nguồn vốn nhà nước còn khó khăn. Bên cạnh đó, đại diện các địa phương cũng báo cáo thêm về một số kết quả cũng như vướng mắc, kiến nghị liên quan đến việc triển khai các chương trình. Trong đó, có cả ý kiến địa phương đề nghị được đưa trở lại vào diện huyện nghèo để được hỗ trợ theo Chương trình 30a. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hiện Thủ tướng và Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi các Nghị định về đầu tư công, trong đó có các vướng mắc về cắt giảm thủ tục đầu tư công trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, tăng tổng mức uỷ quyền đầu tư của một dự án từ 5 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng; phân bổ, sử dụng nguồn lực xã hội để giải quyết nợ đọng XDCB trong xây dựng nông thôn mới, bảo đảm năm 2018 không phát sinh các khoản này,... Bước sang năm 2018, để tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức các hội nghị chuyên đề để thúc đẩy phát triển hạ tầng, mô hình sản xuất các khu vực bãi ngang ven biển, nhân rộng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thành xây dựng tiêu chí huyện nghèo mới để khuyến khích các địa phương vươn lên thoát nghèo, khắc phục tâm lý “không muốn thoát nghèo” như một số nơi hiện nay. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho biết, các địa phương sau khi ra khỏi diện nghèo sẽ vẫn được hưởng hỗ trợ trong 3 năm tiếp theo./.
Hoàng Yến |