Cụ thể, đối với việc áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô vừa chở người vừa chở hàng (xe ô tô pick up). Theo đó, tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật thuế TTĐB quy định đối tượng chịu thuế gồm: “Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng”. Tuy nhiên tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7271:2003 phương tiện giao thông đường bộ - ô tô - phân loại theo mục đích sử dụng và Quyết định số 2431/QĐ-BKHCN ngày 8/11/2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ về công bố sửa đổi 2:20210 TCVN 7271:2003 đối với phương tiện giao thông đường bộ - ô tô - phân loại theo mục đích sử dụng thì ô tô được phân loại thành: Ô tô chở người, ô tô chở hàng và ô tô chuyên dùng. Đối chiếu với Tiêu chuẩn Việt Nam về phương tiện giao thông đường bộ hiện nay (ô tô) cho thấy, không có phân loại ô tô theo “xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng” mà chỉ có mô tả ô tô pick up chở hàng cabin đơn, ô tô pick up chở hàng cabin kép, ô tô pick up chở người. Do vậy, Tổng cục Hải quan cho rằng, thực tế đã phát sinh vướng mắc trong áp dụng chính sách thuế TTĐB đối với ô tô vừa chở hàng, vừa chở người (ô tô pick up chở người áp dụng thuế suất đối với ô tô con hay ô tô vừa chở người, vừa chở hàng; ô tô pick up chở hàng cabin đơn, ô tô pick up chở hàng cabin kép có được áp dụng thuế suất của ô tô vừa chở người, vừa chở hàng hay không). Ngoài ra, cơ quan thực thi cũng gặp vướng trong việc phân loại hàng hoá để xác định mã số HS, mức thuế NK ưu đãi, thuế NK ưu đãi đặc biệt, không phục vụ xác định thuế TTĐB đối với mặt hàng xe pick-up chở người hay xe pick-up chở hàng. Để các đơn vị Hải quan địa phương thực hiện đảm đúng theo quy định, ngày 2/7/2021, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3335/TCHQ-TXNK hướng dẫn chi tiết. Theo đó, tại Luật Thuế TTĐB và tại các văn bản, chính sách hướng dẫn không sử dụng thuật ngữ “ô tô con” cho hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB hay đối tượng không chịu thuế TTĐB. Do đó, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp DN NK xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng thực hiện theo quy định tại điểm 4d Điều 7 Luật Thuế TTĐB. Ngoài ra, việc xác định xe bốn bánh chở người gắn động cơ có thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB thì tại Luật Thuế TTĐB và các Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB đang có hiệu lực thi hành thì mặt hàng chịu thuế TTĐB là “xe ô tô”. Cũng theo các quy định về mô tả hàng hóa và phạm vi các nhóm hàng 87.02, 87.03 và 87.04 không thay đổi từ thời điểm năm 2007 đến nay đều là phương tiện có động cơ (motor vehicle) để chở người hoặc chở hàng. Cũng tại thời điểm ban hành và thực hiện Luật Thuế TTĐB (năm 2008), hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB tại Luật Thuế TTĐB và mô tả hàng hóa tại Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam đều thống nhất tên hàng “xe ô tô”. Tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6211:2003, (ISO 3833:1977) quy định về phương tiện giao thông đường bộ - kiểu - thuật ngữ và định nghĩa. Trong đó, có đưa ra định nghĩa: ô tô (motor vehicle) là loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ bốn bánh xe trở lên, không chạy trên đường ray và thường được dùng để chở người hoặc hàng hóa; kéo các rơ mooc, sơmi rơ mooc; thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt. Ngoài ra, tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7271:2003 “Phương tiện giao thông đường bộ - ô tô - phân loại theo mục đích sử dụng” quy định việc phân loại ô tô theo mục đích sử dụng đối với ô tô chở người, ô tô chở hàng và ô tô chuyên dùng, trong đó dẫn chiếu định nghĩa ô tô tại TCVN 6211:2003. Như vậy, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6211:2003 quy định định nghĩa ô tô, TCVN 7271:2003 quy định phân loại ô tô theo mục đích sử dụng. Việc phân loại theo ô tô con, ô tô khách, ô tô tải và ô tô chuyên dùng phải đảm bảo đáp ứng định nghĩa ô tô tại TCVN 6211:2003. Rà soát nội dung các văn bản nêu trên, hiện tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6211: 2003 và TCVN 7271:2003 là 2 văn bản đưa ra thuật ngữ và định nghĩa về “ô tô (motor vehicle)”, QCVN 09:2016/BGTVT là văn bản quy định tiêu chí kỹ thuật để thực hiện kiểm tra của cơ quan chuyên ngành. Từ các cơ sở nêu trên, quan điểm của cơ quan Hải quan là mặt hàng xe bốn bánh chở người gắn động cơ đáp ứng định nghĩa “ô tô” (motor vehicle) tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6211:2003, ISO 3833:1977 thì thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Thuế TTĐB, do đó phải nộp thuế TTĐB khi NK. Cũng liên quan đến chính sách này đối với hàng hóa đã XK bị phía nước ngoài trả lại theo quy định tại Điều 8 Luật Thuế TTĐB, trường hợp hàng hóa (thuộc đối tượng nộp thuế TTĐB khi bán ra) XK (bán) ra nước ngoài nhưng không đáp ứng điều kiện phải NK trở lại Việt Nam thì phải nộp thuế TTĐB khâu NK. Hàng hóa này sau đó lại tiếp tục XK ra nước ngoài thì không được hoàn thuế TTĐB. Theo Tổng cục Hải quan, trường hợp này phát sinh tại rất nhiều các đơn vị Hải quan địa phương dẫn đến vướng mắc, bất cập khi thực hiện chính sách thuế TTĐB. Trong khi đó, các quy định tại pháp luật về thuế XNK, thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường đều quy định được hoàn thuế XK và không phải nộp thuế NK. Tổng cục Hải quan cho rằng, pháp luật về thuế hiện hành chưa xử lý đồng bộ về chính sách thuế đối với đối tượng hàng hoá nêu trên. Theo đó, để đảm bảo sự thống nhất, rõ ràng của hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện, Tổng cục Hải quan đã có kiến nghị gửi Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), trong quá trình sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Thuế TTĐB đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định về đối tượng chịu thuế TTĐB. Hiện Vụ Chính sách thuế đã tiếp thu ý kiến và đưa vào dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB. Tuy nhiên, trong khi chưa sửa đổi quy định, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tổ chức quán triệt thực hiện chính sách thuế TTĐB theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời giải thích cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết và thực hiện. |