Theo E&Y, có thể chính phủ Singapore sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ không bằng tiền mặt, như đã làm trước đây, nếu tình hình kinh tế tiếp tục đi xuống. Chính phủ Singapore gần đây đã khuyến khích các công ty cải thiện và chuyển đổi mô hình để ứng phó với những thay đổi về tình hình kinh doanh.
Dự báo được những khó khăn khi giá cả hàng hoá sụt giảm, tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính Singapore đã công bố các kế hoạch ngân sách trong đó bao gồm một chương trình cho vay hỗ trợ để giảm căng thẳng về dòng tiền cho các công ty nhỏ.
Gần đây, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn khi ngành năng lượng suy giảm là nguyên nhân dẫn đến vụ phá sản của nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ Swiber Holdings Ltd. Công ty cung cấp kỹ thuật và các dịch vụ hỗ trợ trong lĩnh vực năng lượng này đã phải chịu chế độ kiểm soát tạm thời từ đầu tháng này do hết vốn hoạt động.
Vụ phá sản của Swiber tiếp nối vụ mất khả năng thanh toán của nhà cung cấp viễn thông PT Trikomsel Oke và công ty thuỷ sản Pacific Andes Resources Development Ltd.
Theo UBS, khoảng 28% trái phiếu công ty trị giá 13,4 tỷ USD sẽ đến hạn trong 18 tháng tới là của công ty trong các ngành công nghiệp đang phải đối mặt với sự thay đổi mạnh về cơ cấu.
“Nếu không có sự hỗ trợ hơn nữa của ngân hàng thì có thể nhiều vụ phá sản nữa sẽ xảy ra trong năm tới. Thị trường trái phiếu hiện không mở cửa với những công ty trong các lĩnh vực đang khó khăn như dầu mỏ, khí đốt, vận tải, kim loại và khoáng sản”, các nhà phân tích của UBS cho biết.
Số liệu nợ xấu ở Singapore năm ngoái đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009. Giá dầu thô đã giảm một nửa trong 2 năm qua và hiện ở mức 50,8 USD/thùng. Mức giá này đã phục hồi 87% so với mức thấp kỷ lục 27,1 USD vào tháng 2.
Các DN nhỏ cung cấp sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho các công ty dầu mỏ lớn cũng đang trải qua đợt suy thoái kể từ năm 2015.
Chính phủ Singapore là một trong 10 nhà phát hành có xếp hạng tín dụng cao nhất ở cả 3 tiêu chí chính. Theo Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat, dự tính mức thặng dư ngân sách năm nay là 3,45 tỷ SGD, mặc dù nước này vẫn sẵn sàng để ứng phó với tình hình kinh tế. Năm 2015, quốc đảo này thâm hụt 4,88 tỷ SGD.
Ngành công nghiệp hàng hải và ngoài khơi của Singapore, với hai công ty xây dựng giàn khoan lớn nhất thế giới là Keppel Corp. và Sembcorp Marine Ltd. , đã cung cấp 19% việc làm sản xuất ở Singapore. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý 2 ở nước này lên mức cao nhất trong 2 năm qua, khi cả hai công ty trên cùng giảm việc làm.
Mặc dù các chính sách hỗ trợ của chính phủ có thể giảm khó khăn trong ngắn hạn, nhưng theo E&Y, các công ty và nhà đầu tư phải chấp nhận đối mặt với thua lỗ, vì hỗ trợ của chính phủ sẽ không bù đắp cho những tổn thất đầu tư cho cá nhân hoặc tổ chức vì những rủi ro thương mại của họ.
H.Y (theo Bloomberg)