Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi (giữa) chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 30 ở Tunis, Tunisia ngày 31-3. (Nguồn: AFP/TTXVN) Ngày 31-3, Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 30 ở thủ đô Tunis của Tunisia đã kết thúc với việc ra một tuyên bố chung gồm 17 chương, trong đó đề cập và kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề chủ chốt của khu vực, trong đó nhấn mạnh vấn đề của người Palestine, xung đột ở Libya và Syria. Theo phóng viên tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, về vấn đề Palestine, Tuyên bố Tunis nêu rõ các nhà lãnh đạo Arab tái khẳng định vai trò trung tâm của Palestine trong tất cả các hành động của AL tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đồng thời cam kết tiếp tục nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán nghiêm túc và hiệu quả theo thời gian biểu chính xác nhằm thiết lập một nền hòa bình công bằng và toàn diện, phù hợp với tiến trình hòa bình và các nghị quyết. Lãnh đạo các nước Arab tái khẳng định việc duy trì mọi hình thức hỗ trợ chính trị, tinh thần và vật chất cho người dân Palestine và các nhà lãnh đạo hợp pháp cũng như đối với Tổ chức Giải phóng Palestine - đại diện hợp pháp và duy nhất của người dân Palestine. Tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cung cấp sự bảo vệ cần thiết cho người dân Palestine để chấm dứt các cuộc tấn công của Israel. Về vấn đề Syria, các nhà lãnh đạo Arab nhấn mạnh sự cần thiết có một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria dựa trên tiến trình của Geneva, cũng như các tuyên bố của nhóm hỗ trợ quốc tế cho Syria và các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, theo đó giúp người dân Syria đạt được nguyện vọng được sống trong an ninh và hòa bình đồng thời bảo đảm sự thống nhất, chủ quyền và độc lập của Syria. Tuyên bố nhấn mạnh AL phản đối tất cả các lựa chọn quân sự vì điều này càng làm tình hình thêm trầm trọng và khoét sâu sự đau khổ của người dân Syria. Về tình hình Libya, các nhà lãnh đạo Arab khẳng định mong muốn đạt được sự thống nhất và bảo đảm chủ quyền của nước này, đồng thời phản đối các giải pháp quân sự và bất kỳ hình thức can thiệp nào vào công việc nội bộ Libya. AL ủng hộ một giải pháp chính trị toàn diện trong khuôn khổ một cuộc đối thoại đồng thuận và toàn diện phù hợp với các nghị quyết của Liên hợp quốc. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Tunisia Khemais Jhinaoui, các nước Arab cũng đánh giá cao vai trò của các nước láng giềng của Libya, đặc biệt là sáng kiến ba bên của Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi phối hợp với Algeria và Ai Cập để giúp các bên tại Libya vượt qua sự khác biệt và để đạt được một giải pháp chính trị toàn diện. Tuyên bố Tunis cũng khẳng định Cao nguyên Golan là vùng đất Syria bị chiếm đóng, thể theo luật pháp quốc tế, các nghị quyết của Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an. Các nhà lãnh đạo Arab bác bỏ quyết định cuả Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, coi đây là động thái vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết quốc tế và đe dọa sự ổn định của khu vực Arab. Tuyên bố cũng đề cập các vấn đề nổi bật khác trong khu vực như tình hình Yemen và Iraq. Ngoài ra, các lãnh đạo Arab cũng tái khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác an ninh giữa các quốc gia trong khối, đẩy mạnh cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố dưới mọi hình thức, theo đó kích hoạt Công ước Arab chống khủng bố và thực hiện các biện pháp pháp lý để hình sự hóa tư duy cực đoan và hiếu chiến. Bộ trưởng Ngoại giao Tunisia Khemais Jhinaoui cũng cho biết, trong tuyên bố Tunis, các nhà lãnh đạo Arab tái khẳng định các cam kết thúc đẩy các giá trị của sự khoan dung, chuẩn mực, dân chủ và nhân quyền, đồng thời tăng cường bảo vệ các dân tộc và khả năng của các quốc gia cũng như bảo vệ an ninh của các quốc gia trong khối. |