Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số địa phương khác để thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thể hiện nội dung trên tại báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại tổ (ngày 22/10) về dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Sáng 27/10, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về nội dung nói trên. Theo báo cáo, khi thảo luận tại tổ, đa số các đại biểu đều thống nhất ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương. Các Nghị quyết này khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện và động lực mới cho phát triển bứt phá, khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh, hình thành các cực tăng trưởng mới, đóng góp chung cho phát triển của cả nước và các vùng kinh tếtrọng điểm. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện đối với các địa phương hiện đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội trước đây đã ban hành; báo cáo về tiêu chí lựa chọn địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù và cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương khác để tạo động lực phát triển đồng đều. Ngoài ra, theo đại biểu, việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cần đánh giá việc lượng hóa các chính sách đặc thù quy định cho 4 tỉnh như dự thảo có ảnh hưởng như thế nào đối với việc thu ngân sách nhà nước và phải phù hợp với cân đối chung của cả nước. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hồi âm, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước là vừa ưu tiên phát triển các vùng động lực, các địa phương trọng điểm để làm đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của đất nước nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện phát triển cho vùng nghèo, vùng khó khăn thông qua các khoản hỗ trợ trực tiếp, chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình an sinh xã hội. Trung ương hỗ trợ cho các địa phương kỳ này thông qua các cơ chế, chính sách bằng cách tạo sự phân cấp, phân quyền nhưng trong khuôn khổ của pháp luật, phù hợp với năng lực quản lý và điều kiện phát triển của địa phương và chỉ thực hiện phân cấp những nội dung nào thuộc thẩm quyền Quốc hội thì phân cấp cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì phân cấp cho tỉnh, thành phố. Quy trình phân cấp, hồ sơ thực hiện việc phân cấp phải thực hiện theo quy định pháp luật, phải theo quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, phải lấy ý kiến người dân; phân cấp ở đây là phân cấp về thủ tục hành chính cho nhanh gọn, rút ngắn thời gian thực hiện, tạo động lực cho địa phương phát triển. Theo Bộ trưởng, tại các dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội kỳ này đều có cơ sở chính trị rõ ràng là các Nghị quyết của Bộ Chính trị, có căn cứ pháp lý theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nội dung trình thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Đồng thời, nội dung dự thảo Nghị quyết có tính thực tiễn cao, áp dụng được trong thực tế nhưng vẫn đảm bảo tính tương đồng với các tỉnh thành phố trong cả nước có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị. "Đúng như các vị đại biểu quốc hội đã nêu, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Chính phủ mới chỉ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho 4 địa phương gồm: thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để bước đầu thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tiếp thu ý kiến các vị Đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số địa phương khác để thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị", Bộ trưởng trình bày. Vẫn theo Bộ trưởng, việc ban hành các chính sách này đã được cân nhắc, nghiên cứu, tính toán phù hợp với khả năng của ngân sách trung ương và cân đối chung của cả nước. Theo đề xuất của Chính phủ, 4 địa phương nói trên được thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến mức vay nợ, phân bổ thêm định mức chi thường xuyên, chính sách phí, lệ phí, quản lý đất đai, quản lý quy hoạch... trong thời gian 5 năm bắt đầu từ ngày 1/1/2022. |