Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vào tối 5/5, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh khó tiếp cận vốn vay và không hạ chuẩn cho vay của các ngân hàng. Lý giải nguyên nhân này, theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ngân hàng là trung gian tài chính nhận tiền gửi và cho vay lại, nhiệm vụ của của các ngân hàng là vừa giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vừa đảm bảo hoạt động của bản thân mình. Với tình hình dịch bệnh, khách hàng không có nguồn thu thì ảnh hưởng tình hình trả nợ, làm gia tăng nợ xấu. Khi nợ xấu phát sinh sẽ buộc các ngân hàng gia tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng tới tình hình tài chính. Vì vậy, việc hạ chuẩn cho vay khiến tổ chức tín dụng đối mặt nguy cơ bất ổn trở lại như trước đây. Thay vì hạ chuẩn cho vay, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề xuất phương án thúc đẩy bảo lãnh của Chính phủ. Những đề xuất này sẽ được Chính phủ xem xét. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn do những "rào cản" về xếp hạng tín nhiệm, tài sản đảm bảo... Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý I của nhiều ngân hàng vừa qua cho thấy tình hình nợ xấu đã gia tăng, vì thế, việc hỗ trợ doanh nghiệp phải được xem xét cẩn trọng để đảm bảo an toàn chất lượng tín dụng. Tuy vậy, dù vẫn còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, nhưng tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo NHNN cho biết, ngành ngân hàng cũng đã triển khai rất tích cực các biện pháp hỗ trợ khách hàng trước tác động của đại dịch Covid-19. Theo NHNN, tính đến thời điểm hiện tại, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 170.700 khách hàng với dự nợ cho vay đạt trên 128.200 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho trên 14.300 khách hàng với dư nợ trên 28.400 tỷ đồng. Đồng thời, hệ thống ngân hàng cũng đã hạ lãi suất đối với dư nợ hiện hữu với mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5 – 2%, thậm chí một số ngân hàng đã hạ lãi suất từ 2,5 – 4%/năm. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã điều chỉnh giảm phí thanh toán điện tử liên ngân hàng để từ đó giúp các ngân hàng giảm phí đối với khách hàng. Ước tính, lượng phí giảm trong năm 2020 lên tới 1.000 tỷ đồng. |