Công ty Nam Á tự ý ký hợp đồng hợp tác với khách hàng?ựánKhunhàởNamTânUyênKháchhàngôkqbd úc hôm nay
Như chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước, dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên toạ lạc tại đường ĐT756, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, có diện tích hơn 51ha, bao gồm 3.700 sản phẩm, được giới thiệu do Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên (gọi tắt Cty TNHH Nam Tân Uyên) làm chủ đầu tư.
Dự án này trước đây chính là dự án Khu dân cư thuộc Khu công nghiệp Nam Tân Uyên với tổng diện tích gần 52ha. Trong đó, phần lớn là đất trồng cây lâu năm, bao gồm: toàn bộ thửa đất số 320-324 tờ bản đồ số 29 và thửa đất số 6-9 tờ bản đồ số 24 và một phần đất của Công ty Cao su Phước Hòa.
Dự án này là một phần diện tích đất dùng để xây dựng Khu dân cư thuộc dự án tổng thể của Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương từ năm 2003 và UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết theo quyết định số 6929/QĐ-CT ngày 07/9/2004.
Dù được UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2836/QĐ-UBND về phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 ngày 10/10/2018, thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa được UBND tỉnh Bình Dương cấp chủ trương đầu tư, chưa được Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Dương giao đất, cũng như chưa được Sở Xây dựng Bình Dương cấp giấy phép xây dựng.
Thế nhưng, từ cuối 2018 đến nay, chủ đầu tư đã tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng và chào bán dự án ra ngoài thị trường. Được biết, đến thời điểm hiện tại, có khoảng 10 đơn vị đang chào bán dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên. Trong đó, đơn vị chính là Công ty Cổ phần Địa ốc Núi Hồng, thông qua hình thức “hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư”.
Trong vai 1 khách hàng có nhu cầu mua đất đầu tư, PV được D, một nhân viên của công ty Núi Hồng cho biết, giá bán tại dự án hiện rơi vào mức 15,5 – 26 triệu đồng/m2 tuỳ từng vị trí. “Bên em là đơn vị phân phối độc quyền, anh chỉ cần lên dự án là thấy. Hiện tại, hạ tầng đã được chủ đầu tư cơ bản hoàn thiện, nếu anh muốn mua thì đặt cọc trước 30 triệu đồng. Sau đó 1 tuần thì thanh toán 40% giá trị hợp đồng. 3 tháng sau thanh toán thêm 30%, 3 tháng sau nữa thì thanh toán nốt 25% hợp đồng. Còn 5% khi nào anh lấy sổ mới phải đóng. Dự án có vị trí đẹp, nằm kế bên khu công nghiệp lớn nhất Bình Dương, anh không mua, vài bữa nữa nó lại tăng giá thì uổng lắm”, nhân viên này nói.
Để chứng minh cho lời nói của mình, D. cũng gửi cho chúng tôi xem một “Hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư” Khu nhà ở Nam Tân Uyên mà bên công ty đã ký với khách hàng. Thế nhưng, một điều đáng ngạc nhiên là đơn vị đứng ra ký “Hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư” với khách hàng, lại không phải chủ đầu tư – tức Công ty TNHH Nam Tân Uyên, mà lại là Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Nam Á.
Dù chưa đủ pháp lý nhưng chủ đầu tư dự án Khu dân cư Nam Tân Uyên đã liên kết với nhiều đơn vị để chào bán dự án ra thị trường
Nhiều rủi ro
Vậy, Công ty Nam Á đóng vai trò gì tại dự án Khu dân cư Nam Tân Uyên?
Như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Nam Á chính là 1 trong 2 cổ đông chính của Công ty TNHH Nam Tân Uyên (chiếm 80% vốn điều lệ của công ty này). Trước đó, trong buổi làm việc với PV Chất lượng Việt Nam Online, đại diện Công ty TNHH Nam Tân Uyên đã khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư chưa phát sinh bất cứ 1 giao dịch nào với khách hàng.
Nếu thông tin từ vị đại diện chủ đầu tư này là thật thì phải chăng, Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Nam Á đang qua mặt chủ đầu tư để ký hợp đồng hợp tác với khách hàng? Điều này, sẽ dẫn tới việc, khách hàng có nguy cơ rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, bởi khi chưa phát sinh giao dịch với chủ đầu tư, khách hàng có thể sẽ rơi vào cảnh mất trắng tiền nếu chủ đầu tư “phủ nhận” tính pháp lý của hợp đồng hợp tác này.
Chưa kể, với việc ký “Hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư” với Công ty Nam Á, khách hàng cũng đang “nắm dao đằng lưỡi”. Bởi bản chất của việc “hợp tác đầu tư” là “lời ăn lỗ chịu”, trong trường hợp Công ty Nam Á không thể bàn giao sản phẩm như cam kết, khách hàng cũng rất khó khởi kiện hay khiếu nại đơn vị này ra các cơ quan chức năng.
Một điều cũng đáng chú ý trong hợp đồng hợp tác đầu tư mà công ty Nam Á ký với khách hàng, đó là tiến độ thanh toán. Cụ thể, theo bảng tiến độ, khách hàng sẽ đóng 40% giá trị hợp đồng sau 7 ngày kể từ khi đóng 30 triệu đồng tiền cọc mua dự án (tương ứng với tiến độ “phát quang, làm sạch mặt bằng dự án).
Đợt thứ 2, khách hàng sẽ đóng 30% giá trị hợp đồng khi chủ đầu tư hoàn tất công tác lắp đặt hệ thống cống thoát nước (nước thải, nước mưa…), đổ đá làm đường.
Đợt thứ 3, khách hàng sẽ đóng 25% giá trị hợp đồng khi khách hàng hoàn thiện công tác thi công hạ tầng hoặc đủ điều kiện tiến hành xây dựng nhà.
Đợt thứ 4, sẽ là 5% còn lại khi chủ đầu tư làm thủ tục cấp sổ từng lô mang tên công ty và bàn giao cho khách hàng hoặc thủ tục hoàn công nhà.
Nếu tin theo lời quảng cáo của nhân viên sale công ty Núi Hồng thì đây hẳn là phương thức thanh toán vô cùng có lợi cho khách hàng. Thế nhưng, trên thực tế, điều này có thật tốt như vậy hay không?
Bởi, tiến độ thanh toán trong “Hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư” mà Công ty Nam Á đưa ra, không hề có mốc thời gian nào cụ thể cho việc đóng tiền hay bàn giao sản phẩm.
Vậy, trong trường hợp khách hàng mua và đóng 40% giá trị hợp đồng, chủ đầu tư tạm ngưng, không triển khai dự án nữa thì sẽ ra sao? Khách hàng sẽ phải chờ 1 năm, 2 năm, 10 năm… mà không thể làm gì cả, bởi không có mốc thời gian cụ thể, khách hàng có thể dựa vào đâu để khiếu nại, đòi đền bù vi phạm hợp đồng? Và một điều quan trọng nhất là ở đây, dù có được sự đồng ý của chủ đầu tư hay không, Công ty Nam Á cũng không được quyền đứng ra ký kết hợp đồng hợp tác với khách hàng (điều này, chúng tôi sẽ phân tích kỹ ở bài sau).
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Minh Nghĩa