Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng: "Đến nay hoặc thời gian tới, mức tăng lương tối thiểu vùng phía Tổng liên đoàn đề xuất bao nhiêu thì chúng tôi chưa thống nhất, bàn bạc. Tại mỗi thời điểm, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe doanh nghiệp, mong muốn của người lao động, phía Tổng Liên đoàn sẽ tính toán mức tăng lương tối thiểu khác nhau”. Nội dung này tiếp tục được đại diện người lao động đánh giá kỹ hơn trên cơ sở bức tranh về kinh tế Việt Nam và Thế giới, đặc biệt "sức khỏe" của doanh nghiệp, để có đề xuất phù hợp trong những phiên đàm phán của Hội đồng tiền lương quốc gia tới đây. "Chúng tôi xác định thương lượng tiền lương phải tập trung cao nhất. Bởi người lao động khi đi làm phải có lương đủ đảm bảo cuộc sống", ông Ngọ Duy Hiểu cho biết. Việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là quyết định khó, do xu hướng kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tình trạng lao động thiếu việc làm, thất nghiệp vẫn có thể tăng. Trong khi đó, cuộc sống người lao động cũng không dễ thở do giảm thu nhập vì thiếu việc làm. Nếu không tăng lương sẽ khó đáp ứng được cuộc sống trong bối cảnh lạm phát và lương cơ sở của khối Nhà nước, lương hưu đã tăng từ tháng 7 vừa qua. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và cũng là thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia dự báo, có thể trong tháng 12 này, Hội đồng sẽ họp nhóm lại để tiếp tục bàn thảo, song ông cũng khẳng định mức đề xuất của tổ chức đại diện người lao động sẽ được bàn bạc, xem xét lại cho phù hợp. |