【lịch trận đấu hôm nay】Tái cơ cấu nông nghiệp
Thực hiện Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa giai đoạn 2009-2012 và định hướng đến năm 2015, sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản của huyện Cái Nước có bước phát triển đáng kể. Hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất sản xuất được phát huy, tổng sản lượng thuỷ sản năm 2015 ước đạt 39.000 tấn, tăng hơn 13.200 tấn so với năm 2010.
Thực hiện Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa giai đoạn 2009-2012 và định hướng đến năm 2015, sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản của huyện Cái Nước có bước phát triển đáng kể. Hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất sản xuất được phát huy, tổng sản lượng thuỷ sản năm 2015 ước đạt 39.000 tấn, tăng hơn 13.200 tấn so với năm 2010.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất còn bộc lộ những hạn chế nhất định; công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư thiếu đồng bộ, chưa đi vào chiều sâu, sản xuất còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sức cạnh tranh sản phẩm hàng hoá đạt thấp. Vì vậy, việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ cấp bách đã và đang được tập trung chỉ đạo thực hiện.
Sản xuất theo phong trào
Điểm yếu trong phát triển nông nghiệp thuỷ sản của huyện thời gian qua là công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư và nhân rộng mô hình, dẫn đến sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp. Bằng chứng là năm 2014, khi con tôm có giá, nông dân trong huyện ồ ạt đầu tư nuôi tôm công nghiệp vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương, dẫn đến phá vỡ quy hoạch sản xuất của huyện. Tình trạng sản xuất tự phát trong khi kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như điện, thuỷ lợi, con giống chưa được đầu tư; nông dân thiếu kỹ thuật, đầu ra sản phẩm không ổn định, dẫn đến rủi ro, thiệt hại lớn. Hậu quả là môi trường sản xuất bị ô nhiễm, nhiều hộ nông dân lâm nợ với ngân hàng, phải treo đầm…
Nông dân ấp Đức An, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước đa canh mang lại thu nhập cao. Ảnh: DIỆU LỮ |
Tương tự như vậy, vùng sản xuất lúa - tôm kết hợp được xác định là mô hình sản xuất bền vững, nhưng do nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước có hạn, nên việc đầu tư thiếu đồng bộ, khi gặp thời tiết bất lợi, nạn mất mùa diễn ra thường xuyên. Trong vòng 3 năm qua, mô hình lúa - tôm kết hợp không phát huy được hiệu quả, thiệt hại nhiều hơn thành công, Nhân dân không yên tâm sản xuất.
Trước thực trạng trên, việc chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo phát triển kinh tế của huyện Cái Nước.
Mục tiêu, giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp
Huyện Cái Nước xác định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 nhằm đạt mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp thuỷ sản, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần xây dựng nông thôn mới. Qua đó duy trì và nâng cao mức độ tăng trưởng kinh tế hằng năm, hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững.
Muốn làm được điều này, vấn đề đặt ra là phải thay đổi cách thức quản lý, tổ chức, sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp với điều kiện thực tế. Theo đó, huyện tiến hành quy hoạch lại sản xuất, xác định thế mạnh kinh tế của từng khu vực và địa bàn trọng điểm để đầu tư phù hợp. Cụ thể, trên lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, tiến hành điều chỉnh quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất trọng điểm gắn với mô hình nuôi tôm công nghiệp 2.000 ha, đến năm 2020 là 3.000 ha; vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến từ 14.000 ha năm 2015 lên 27.200 ha năm 2020. Vùng sản xuất lúa - tôm kết hợp gắn với phát triển diện tích rau màu 2.000 ha ở những nơi có điều kiện.
Đối với diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống, sẽ gắn kết đa dạng các đối tượng nuôi như tôm, cua, cá, sò huyết. Duy trì mô hình nuôi cá nước ngọt như cá chình, cá bống tượng và các loại cá đồng. Qua đó phát huy tối đa hiệu quả kinh tế giữa hai hệ sinh thái mặn - ngọt.
Huyện chỉ đạo các địa phương sắp xếp lại tổ chức sản xuất theo hướng phát triển loại hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác gắn với mô hình cánh đồng lớn, trang trại với sự liên kết “bốn nhà”, nhằm tháo gỡ khó khăn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Phấn đấu nâng sản lượng thuỷ sản từ 39.000 tấn năm 2015 lên 49.000 tấn năm 2020.
Về kết cấu hạ tầng, huyện đã và đang triển khai thực hiện dự án đầu tư nâng công suất 83 trạm biến áp từ 25 kVA lên 50 kVA; 22 km đường dây trung thế và 41 km đường dây hạ thế phục vụ nuôi tôm công nghiệp. Xây dựng kế hoạch nạo vét hệ thống thuỷ lợi, đảm bảo cung cấp nước, đầu tư khép kín ô thuỷ lợi chủ động cho phát triển mô hình lúa - tôm kết hợp.
Để thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước cũng đã triển khai thực hiện Nghị định số 55 của Chính phủ, về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. “Phấn đấu năm 2016, chi nhánh sẽ có tổng dư nợ đầu tư trên địa bàn huyện từ 700 tỷ đồng trở lên, đảm bảo đủ nguồn vốn theo nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ cá thể”, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước Trần Chí Dũng cho biết.
Chủ tịch UBND huyện Cái Nước Phạm Phúc Giang khẳng định: “Triển khai thực hiện tốt đề án tái cơ cấu nông nghiệp sẽ giúp nông dân nâng hiệu quả kinh tế, đạt mức thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm. Đây là nền tảng, là tiền đề vững chắc để huyện Cái Nước hoàn thành mục tiêu xây dựng thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020”./.
Tuấn Kiệt