Xung quanh vấn đề này,ếudịbóng anh phóng viên TBTCO đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Tú - Chuyên viên Phân tích cao cấp, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI.
* PV: Thưa bà, bà có thể cho biết và đánh giá về tình hình huy động trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp từ đầu năm đến nay?
|
- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú: Trong 7 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước phát hành tổng cộng 145,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ 2019 và hoàn thành 56% kế hoạch phát hành cả năm 2020. Sau 4 tháng đầu năm rất trầm lắng, lượng gọi thầu và lượng trúng thầu trái phiếu chính phủ đã tăng liên tục từ tháng 5 đến tháng 7.
Lượng phát hành trong 3 tháng gần đây là 109,7 nghìn tỷ đồng – chiếm tới 75% tổng lượng phát hành 7 tháng. Trong đó, riêng tháng 7 phát hành 58,7 nghìn tỷ đồng – là lượng phát hành lớn nhất theo tháng trong nhiều năm trở lại đây.
* PV: Thị trường sơ cấp khá bình lặng trong 6 tháng đầu năm, nhưng sôi động trong 3 phiên đầu tháng 7, rồi lại đột ngột giảm tốc trong phiên gần nhất (29/7). Đâu là nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu chính phủ sơ cấp có diễn biến như vậy, thưa bà?
- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú: Theo chúng tôi, các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ trong tháng 7 rất sôi động là do lãi suất trên liên ngân hàng về mức thấp kỷ lục (0,2 - 0,5%/năm với kỳ hạn 1 tháng trở xuống), các ngân hàng thương mại dồi dào thanh khoản, đầu ra tín dụng vẫn rất yếu nên dòng tiền hướng đến trái phiếu chính phủ.
Bên cạnh đó, VND vẫn tiếp tục đà hồi phục nhờ sự suy yếu của USD trên thị trường quốc tế và diễn biến cung cầu thuận lợi trong nước, áp lực tỷ giá xuống thấp làm dấy lên kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm các lãi suất điều hành cũng khiến cầu trái phiếu chính phủ tăng lên.
Tuy nhiên, thị trường sơ cấp đột ngột “nguội đi” trong phiên đấu thầu cuối tháng 7, khi chỉ có 116 tỷ đồng được phát hành, tương đương 1,3% tổng lượng gọi thầu chủ yếu là do yếu tố tâm lý. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến nền kinh tế Việt Nam nửa cuối 2020 trở lên rất khó đoán định, rủi ro tăng lên khiến các bên không muốn gia tăng quy mô nắm giữ trái phiếu chính phủ ở vùng lãi suất rất thấp như hiện tại.
Cùng với đó, lãi suất nhích tăng trên liên ngân hàng khiến các thành viên thị trường đưa ra vùng lãi suất đặt thầu cũng cao hẳn lên so với các tuần trước, trong khi tổ chức phát hành giữ nguyên lãi suất trúng thầu nên lượng trúng thầu giảm mạnh.
* PV: Một điểm không thể bỏ qua trên thị trường trái phiếu chính phủ sơ cấp là lãi suất hiện đang ở mức rất thấp. Bà đánh giá thế nào về lãi suất trái phiếu chính phủ hiện nay?
- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú: Lãi suất phát hành giảm dần vào tạo đáy vào giữa tháng 4 sau đó nhích tăng dần trong các phiên đấu thầu tháng 5, 6 và quay đầu giảm nhẹ trong các phiên tháng 7. Lãi suất phát hành bình quân 7 tháng năm 2020 là 3,12%/năm – thấp hơn rất nhiều mức bình quân 4,6%/năm của 2019 và 2018; bình quân 6 - 8%/năm của các năm 2012 - 2017.
Lãi suất thấp hơn rất nhiều trong khi kỳ hạn phát hành bình quân gần như tương đương (7 tháng là 13,3 năm, ngắn hơn chút ít so với 13,6 năm của 2019 và dài hơn so với 12,2 năm của 2018) là cơ hội tốt để Chính phủ gia tăng huy động bằng đồng nội tệ thông qua phát hành trái phiếu chính phủ.
* PV:Còn về những tháng cuối năm, bà dự báo thế nào về diễn biến trên thị trường sơ cấp? Đâu là các yếu tố chính có thể tác động tới công tác huy động trái phiếu chính phủ thời gian còn lại của năm nay, thưa bà?
- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú: Lượng phát hành 7 tháng đầu năm mới chỉ tương đương 56% kế hoạch nên nhu cầu phát hành các tháng cuối năm vẫn khá lớn để tài trợ các dự án đầu tư công đang được đẩy mạnh triển khai.
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh vẫn là yếu tố chi phối đến các hoạt động kinh tế và cả tốc độ giải ngân đầu tư công. Chúng tôi vẫn tin tưởng với kinh nghiệm xử lý dịch bệnh thành công giai đoạn trước, dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát tại Việt Nam. Trong điều kiện đó, thị trường trái phiếu chính phủ sơ cấp sẽ vẫn sôi động với sự gia tăng cả từ phía cung và phía cầu, lãi suất trúng thầu nhiều khả năng sẽ vẫn đi ngang ở vùng thấp hiện tại. Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra là cách ly toàn xã hội, việc triển khai đầu tư công sẽ bị đình trệ và thị trường trái phiếu chính phủ cũng sẽ khá ảm đạm.
* PV: Xin cảm ơn bà!
Duy Thái