Thưa ông, Công ty CP Long Sơn chuyên sản xuất, chế biến hạt điều xuất khẩu, quy mô hoạt động của doanh nghiệp như thế nào?
Tập đoàn Long Sơn là doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều với qui mô lớn. Chúng tôi có hơn 10 nhà máy chế biến hạt điều hoạt động tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Long An, TP HCM, Đồng Nai, Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên và Gia Lai. Từ sản xuất điều thô đến điều nhân xuất khẩu.
Ngoài ra, chúng tôi còn có nhà máy chuyên chế biến sâu, rang chiên, tẩm gia vị. Sản phẩm chế biến sâu đã đi vào các siêu thị nổi tiếng thế giới ở Mỹ, Anh, Trung Quốc, Úc đã giúp cho công ty có thêm giá trị gia tăng.
Năm 2023, tập đoàn có 5 pháp nhân xuất khẩu, với sản lượng đạt 30.000 tấn điều nhân trị giá khoảng 180 triệu USD. Công ty đang sử dụng khoảng 3.500 lao động chủ yếu là lao động nữ tuổi trung niên và lớn tuổi ở các địa bàn có nhà máy.
Là doanh nghiệp chế biến hạt điều xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, Công ty CP Long Sơn chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu như thế nào, thưa ông?
Về chủ động nguồn nguyên liệu thì thực sự mà nói, khó có doanh nghiệp chế biến điều VN nào chủ động được nguồn nguyên liệu do chúng ta phải nhập khẩu khoảng 75% nguồn nguyên liệu điều thô từ châu Phi và Campuchia. Nếu chủ động mua mọi giá để có nguyên liệu sản xuất chắc chắn doanh nghiệp chế biến sẽ thua lỗ vì sẽ phải mua điều châu Phi, Campuchia với giá cao, hoặc mua lại của nhà đầu cơ điều thô Việt Nam với giá cao.
Do vậy, tùy tình hình, nếu giá nguyên liệu bị đẩy lên quá cao thì chúng tôi nhập khẩu ít lại và cho công nhân giãn sản xuất, nghỉ thứ Bảy hoặc là nghỉ Tết sớm. Còn nếu cảm thấy nguyên liệu có giá tốt, giá rẻ, chúng tôi sẽ mua với số lượng nhiều để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Đó chính là lý do vì sao năm 2022 chúng tôi nhập nguyên liệu điều thô rất ít vì giá cao trong khi năm 2023 chúng tôi nhập nguyên liệu tăng 60-70% so với năm 2022.
Trong thời gian gần đây, cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều trường hợp nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu điều theo loại hình sản xuất xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp lại không thực hiện đúng quy định, tự ý bán nguyên liệu vào thị trường nội địa. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào, tình trạng này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính ra sao, thưa ông?
Việc doanh nghiệp nhập khẩu theo hình thức sản xuất xuất khẩu nhưng không xuất khẩu sản phẩm mà lại bán lại điều thô cho các doanh nghiệp trong nước thì tôi nhìn nhận như sau. Thực chất thì điều thô được bán nội địa cuối cùng thì cũng được sản xuất và xuất khẩu đi nước ngoài. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp điều nhập về rồi bán lại như vậy làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải đầu tư rất nhiều cho các nhà máy như xây dựng, chí phí để được cấp giấy phép an toàn phòng cháy, chi phí xử lý môi trường, chi phí mua máy móc thiết bị, thuê công nhân với đầy đủ hợp đồng lao động, đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội và y tế cho công nhân.
Dây chuyền sản xuất điều tại Công ty CP Long Sơn. Ảnh: N.H |
Việc họ bán điều thô cho các doanh nghiệp khác (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ), hoạt động kiểu lách thuế, chi phí thấp như vậy sẽ cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp hoạt động bài bản. Thực tế rất nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản mấy năm nay sản xuất không có lãi, do giá bán nhân điều xuất khẩu quá thấp. Chúng tôi để bán được nhân điều cũng buộc phải hạ giá bán và như vậy kinh doanh sẽ không hiệu quả.
Mỗi năm, Công ty CP Long Sơn sản xuất xuất khẩu hàng chục nghìn tấn điều, đặc biệt năm 2023, số lượng nguyên liệu điều nhập khẩu của công ty tăng gần gấp đôi so với năm trước. Ông đánh giá thế nào về thủ tục hải quan hiện nay đối với loại hình sản xuất xuất khẩu, cũng như sự hỗ trợ của cơ quan Hải quan đối với doanh nghiệp trong hoạt động XNK mặt hàng điều?
Mỗi năm chúng tôi nhập khẩu vài chục nghìn tấn đến cả 100.000 tấn điều về phục vụ sản xuất. Năm 2023 chúng tôi nhập khẩu tăng 60-70% so với năm 2022. Chúng tôi phải nói là thủ tục hải quan, cũng như chính sách đối với loại hình sản xuất xuất khẩu hạt điều hiện nay rất thông thoáng và thuận lợi hơn so với trước đây. Thí dụ, trước đây doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu về phải tự sản xuất 100%, không được mang đi gia công, nhưng hiện tại quy định đã cho phép doanh nghiệp được mang đi gia công ở các nhà máy khác.
Doanh nghiệp chúng tôi có nhập điều thô về sản xuất xuất khẩu phần nhiều qua cảng TPHCM. Cơ quan Hải quan hướng dẫn thủ tục rất cụ thể, thông hiểu doanh nghiệp nên chúng tôi nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu với số lượng rất lớn nhưng cũng rất thuận lợi.
Trân trọng cảm ơn ông!