Câu hỏi trách nhiệm TS. Nguyễn Đình Cung,ướcsôngĐànhiễmbẩnvàcâuhỏivềtráchnhiệmcủadịchvụcôngíatlas – chivas chuyên gia kinh tếnhắc ngay tới trách nhiệm nhà nước sau vụ Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) buộc phải dừng cấp nước do ô nhiễm nước đầu nguồn. “Nói đến các sản phẩm, dịch vụ công ích, về trách nhiệm, Nhà nước phải cung cấp đủ, đảm bảo chất lượng cho người dân. Việc cung cấp thế nào do Nhà nước chọn. Nhà nước có thể tự làm hoặc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầucho các doanh nghiệp... Nên khi có vấn đề xảy ra, Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước tiên, có nghĩa là các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền được giao trách nhiệm, tiếp sau là doanh nghiệp...”, ông Cung nói. Tạm không bàn tới hành vi đổ dầu thải đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố vụ án "Gây ô nhiễm môi trường" theo quy định tại Điều 235, Bộ Luật Hình sự từ ngày 17/10, các đầu mối có trách nhiệm khá nhiều. Đó là UBND tỉnh Hòa Bình, UBND TP. Hà Nội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Những đầu mối này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc đích danh trong văn bản chỉ đạo khắc phục sự cố trên. “Tôi rất tiếc là không có bộ nào lên tiếng khi vụ việc trên được phát hiện. Doanh nghiệp có vấn đề trong ứng xử, nhưng trách nhiệm của các bộ này ở đâu”, ông Cung đặt câu hỏi. Liên quan đến sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP và Nghị định 124/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước tại các đô thị và khu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể, bộ này chịu trách nhiệm từ nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đến tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch cấp nước đô thị. Đặc biệt, đây cũng là cơ quan ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về cấp nước đô thị và khu công nghiệp; hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động này. “Tôi sẽ phải đặt thêm câu hỏi rằng, vụ việc của Viwasupco có là duy nhất vì quy trình kiểm soát hoạt động trên không hiểu đang được triển khai thế nào mà cơ quan quản lý chuyên ngành không có ý kiến gì? Hai là, đây có phải là cách quản lý hiệu quả không, đúng mục tiêu không vì khi sự việc xảy ra, báo chí lên tiếng, thì các cơ quan mới biết, nhưng lại không thấy ai có trách nhiệm cụ thể nào”, ông Cung thẳng thắn. Khoảng trống pháp lý? Theo Luật Doanh nghiệp 2014, sản phẩm, dịch vụ công ích là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ mà Nhà nước cần bảo đảm vì lợi ích chung hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh và việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí. Có vẻ như dịch vụ cấp nước sạch đô thị rơi vào định nghĩa trên. Tuy nhiên, vào thời điểm này, rất khó để khẳng định. Vì trong Nghị định 30/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, dịch vụ cấp nước sạch cho đô thị không còn trong Danh mục Sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu. Danh mục này chỉ đề cập dịch vụ cung cấp điện, nước sạch cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nhưng trước ngày 1/6/2019, thời điểm Nghị định 30 có hiệu lực, dịch vụ cấp nước đô thị nằm trong danh mục này, theo quy định tại Nghị định 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích. Nghị định 130/2013/NĐ-CP đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 30. Còn nhớ, khi thảo luận về các nội dung sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, cấp nước đô thị là sản phẩm thương mại, không cần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nên loại ra khỏi danh mục trên. Song nếu căn cứ vào Luật Giá, thì nước sạch sinh hoạt thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, cụ thể là UBND cấp tỉnh. Trong trường hợp của Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đang áp dụng Quyết định 38/2013/QĐ - UBND ngày 19/9/2013 về việc ban hành giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn Thành phố. Trên trang thông tin Hà Nội, quyết định này đang có hiệu lực. UBND TP. Hà Nội cũng giải thích khá rõ về cách tính, theo đó đơn giá được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo chi phí sản xuất và lưu thông nước sạch cho các đơn vị cấp nước và không thực hiện bù giá. Câu hỏi ở đây là, cấp nước sạch cho đô thị có còn là dịch vụ công ích nữa không? Nếu câu trả lời là “không”, thì trách nhiệm của Nhà nước sẽ rất khác nếu câu trả lời là “có”. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Đổi mới và Cải cách doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho rằng, cấp nước sạch đô thị phải được xác định rõ là dịch vụ, sản phẩm công ích. “Đây là dịch vụ, sản phẩm phải được Nhà nước quản lý, giám sát về quy trình, chất lượng, sản lượng, kiểm soát yếu tố độc quyền tự nhiên của dịch vụ, sản phẩm gắn với mạng lưới cung cấp... chứ không chỉ là định khung giá bán”, ông Trung nói. Nhưng, ông Trung lại không trả lời cụ thể rằng, cấp nước đô thị có là hoạt động công ích hay không. Lỗi do cổ phần hóa? Sau khá nhiều ngày lặng tiếng, ông chủ sở hữu chính của Viwasupco đã lên tiếng xin lỗi và nhận trách nhiệm. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc GELEX, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Thiết bị điện GELEX, chủ sở hữu 65% vốn của Nhà máy nước sạch Sông Đà đã chia sẻ trên báo chí: “Xin lỗi là việc rất nhỏ thôi. Xin lỗi không thì dễ quá, ai chẳng làm được. Còn chúng tôi sau khi xử lý nước sạch trở lại xong, chúng tôi không những xin lỗi, mà còn xin chịu trách nhiệm. Tôi cam kết sẽ phối hợp cùng các đơn vị phân phối nước để làm các việc tốt nhất cho người dân”. Ông này còn nói rằng, sự cố nghiêm trọng này chưa từng xảy ra khi các nhà máy nước do nhà nước quản lý, đến khi giao về tư nhân rồi mới xảy ra. “Về quy trình vận hành nhà máy nước, trước đây đến nay cũng vẫn vậy, thậm chí từ khi cổ phần hóa giao vào cho tư nhân vận hành thì nó còn thuận lợi hơn rất nhiều. Tất cả công ty nước đều có thể vận hành trơn tru khi chất lượng nguồn nước được ổn định. Thậm chí, khi chúng tôi tiếp quản, số lần mất nước hay vỡ ống nước gần như không xảy ra”, ông Tuấn giải trình với báo chí. Nhưng, ông Cung không hài lòng với cách ứng xử trên. “Doanh nghiệp sản xuất và cung cấp sản phẩm không đúng chất lượng, dù vì lý do gì, cũng phải đánh giá lại quy trình sản xuất, năng lực kiểm soát của chính mình”, ông Cung chia sẻ quan điểm. “Doanh nghiệp được giao nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ, công ích phải đảm bảo cung cấp đúng chất lượng, liên tục, theo đúng quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng... do cơ quan nhà nước thẩm định và được cập nhật thường xuyên. Với góc nhìn này, thì không có gì khác biệt, dù đó là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước. Sự khác biệt là năng lực, chất lượng của chính doanh nghiệp đó”, ông Cung phân tích. Ngay cả khi không thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp cấp nước, thì cơ hội của thị trường này vẫn mở ra cho doanh nghiệp tư nhân. Nghị định 117/2007/NĐ-CP có quy định khuyến khích các thành phần kinh tế, cộng đồng xã hội tham gia đầu tưphát triển và quản lý hoạt động cấp nước với khá nhiều ưu đãi. Như vậy, sự “màu mỡ” của lĩnh vực này - như nhiều ý kiến nhắc đến khi xem đó là một trong những lý do để doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh không lành mạnh, có lẽ nằm ở cơ hội được lựa chọn là đơn vị cung cấp. Nhưng một lần nữa, trách nhiệm lại thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước được giao nhiệm vụ này. “Nếu có cơ chế lựa chọn thực sự minh bạch, công khai và cơ chế kiểm soát chặt chẽ, tôi tin các đơn vị cung cấp sẽ không thể đưa ra sản phẩm kém chất lượng”, ông Cung nói. Ngày hôm nay (25/10) là hạn cuối cùng các bộ, ngành, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khắc phục sự cố nước sông Đà. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân khu vực trên. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân. Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. |