(CMO) 36 tuổi, anh Nguyễn Văn Trọng đã là chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Ðức Trọng tại mảnh đất rộng rãi, ngay tuyến lộ lớn (Khóm 5, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời).Anh Trọng kể, anh là đời thứ 3 nối nghề của gia đình. Quê gốc của anh ở tận tỉnh Nam Ðịnh xa xôi. Học xong lớp 9, anh cùng gia đình vào Nam lập nghiệp. Chỗ ở thay đổi, nếp sống nhiều điều phải thích nghi nhưng nghề mộc gia truyền vẫn song hành với gia đình từ những ngày tháng đầu còn bỡ ngỡ. Sản phẩm đồ gỗ không còn là sự lựa chọn duy nhất trong cuộc sống hiện nay. Vì vậy, ngoài sản xuất các sản phẩm quen thuộc khi xưa, anh Trọng thường xuyên cập nhật những mẫu mã, mặt hàng mới trang trí nội thất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cha anh Trọng, ông Nguyễn Ðức Long, đã ngoài lục tuần, hàng ngày vẫn phụ con làm các công đoạn bào, đục. Ông Long bộc bạch: “Làm riết quen rồi, không bỏ được. Có làm, ăn ngủ mới ngon. Ðồ gỗ bây giờ làm công phu hơn trước. Nhiều kiểu cọ, hoa văn, tỉ mỉ từng chi tiết nhưng cũng tiện là có máy móc hỗ trợ".
Còn đối với anh Hà Ðông, chủ cơ sở đồ gỗ Hà Ðông, cùng ở Khóm 5, nghề mộc đến với anh như một cái duyên trong đời. Chẳng là nghề của gia đình, cũng không dự định trước, những năm tháng lăn lộn đây đó để kiếm sống, anh có dịp nhìn thấy mấy anh thợ mộc chuyên tâm tạo ra các sản phẩm nghệ thuật từ những khúc gỗ tưởng chừng bỏ đi. Thấy là lạ, anh tò mò học hỏi. Rồi anh mạnh dạn từ bỏ việc làm công, quyết tâm trở về quê mở cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ của riêng mình. Vượt qua những khó khăn chồng chất ban đầu, từ việc tạo ra tác phẩm đẹp, tìm kiếm khách hàng, điều hành việc kinh doanh, qua 5 năm chọn con đường khó khăn này để đi, anh Hà Ðông đã thành công. Cơ sở sản xuất của anh vừa mở rộng quy mô sản xuất tròn năm nay. Qua trí sáng tạo, đôi tay khéo léo của anh, những “khúc củi” trở thành những sản phẩm độc đáo như 12 con giáp, long lân quy phụng, tùng cúc trúc mai, thần kim quy… Thời gian gần đây, ngoài sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ, cơ sở của anh cũng sản xuất thêm các mặt hàng trang trí nội thất.
Chia sẻ về nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, anh Hà Ðông bảo: “Khó nhất của nghề này là khâu tạo hình. Từ khúc gỗ mà đối với người khác là bỏ đi, mình mua về, nghĩ xem nó có thể làm được kiểu gì, tạo hình như thế nào cho đẹp, từng chi tiết đều là sự sáng tạo của người thợ. Ðể có được khúc củi tạo hình, người thợ phải thông qua nhiều kênh, có khi đi xa tới tỉnh khác, như sản phẩm 12 con giáp này phải đi tới Trà Vinh mới mua được…”./.
Ngọc Minh
|