Vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại Dự thảo Luật này theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế là quy định về địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia.
Hiện Bộ Y tế có ba phương án, trong đó, phương án 1 chỉ được bán rượu, bia từ 11 giờ đến 14 giờ và 17 đến 22 giờ hằng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch; Phương án 2 là bán từ 6 đến 22 giờ hằng ngày; Phương án 3 là thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Cũng theo ông Quang, Dự thảo Luật sẽ nghiêm cấm khuyến mại, rượu bia trực tiếp cho người tiêu dùng; dùng rượu, bia là giải thưởng cho các cuộc thi; cung cấp rượu, bia miễn phí. Ngoài nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu rượu, bia từ 15 độ trở lên, thì việc quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình.
Luật sư Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam cho biết thêm, hiện nay chưa có quốc gia nào trên thế giới ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; chỉ có một số ít nước ban hành Luật Kiểm soát rượu, bia (như Thái Lan) hoặc Luật về kiểm soát chất có cồn (Lithuania); Luật về thời gian cấm bán rượu, bia (Phần Lan, Singapore, Nga)… Còn tại Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu bia cũng đã khá đầy đủ (có tới 85 văn bản).
“Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật tới các nhà sản xuất và người dân, nâng cao nhận thức hành vi sử dụng đồ uống có cồn có trách nhiệm, có văn hóa, không lạm dụng chứ không nhất thiết phải ban hành thêm một luật nữa gây tốn kém nguồn lực và chưa tính toán được hiệu quả của nó mang lại”, ông Vỵ đề xuất.
Về việc Dự thảo Luật có quy định hạn chế về cấm giới thiệu, hạn chế quảng cáo và tài trợ đối với đồ uống có cồn, theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam, việc này sẽ không có tác dụng làm giảm thiểu hành vi lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam mà ngược lại sẽ thiệt hại đáng kể cho phát triển du lịch, kinh tế xã hội.
Tại tọa đàm, Đại biểu quốc hội Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, quy định về cấm giới thiệu, hạn chế quảng cáo bia rượu trong dự luật này cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ bởi hiện chúng ta đã có Luật Quảng cáo. Tất cả việc quảng cáo đều được điều chỉnh, thực hiện theo Luật Quảng cáo, nếu lại đưa quy định quảng cáo vào để điều chỉnh trong một luật cụ thể thì không phù hợp và sẽ dẫn đến chồng chéo.
Ngoài ra, quy định cấm bán rượu bia theo khung giờ từ sau 22h, đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng, thực tế nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định như vậy nên đây là đề xuất hoàn toàn có cơ cở. Tuy vậy, về mặt thực tiễn thì nếu cấm bán bia rượu sau 22h cũng khó giảm được lượng tiêu thụ rượu bia, bởi người ta có thể sử dụng bia rượu mua từ trước khung giờ đó. Vấn đề nữa là quản lý, giám sát ra sao cũng cần phải tính toán.