Tiềm ẩn nhiều gian lận Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, hầu hết các DN kinh doanh TMĐT có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, một số DN mới chỉ thành lập được vài năm nhưng doanh thu đã lên tới cả nghìn tỷ đồng, trong khi đó số tiền nộp ngân sách không đáng kể. Đi tìm lời giải cho nghi vấn này, trong năm 2013 Tổng cục Thuế đã tập trung lực lượng thanh, kiểm tra các DN có nhiều rủi ro về thuế, trong đó đã thanh tra 4 DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT là: Công ty TNHH Lựa chọn Hoàn hảo- hoạt động trong lĩnh vực bán hàng qua truyền hình và Internet; Công ty TNHH truyền thông Không Trung- hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo; Công ty TNHH một thành viên Công nghệ tin học Viễn Sơn- hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và thương mại các thiết bị tin học, linh kiện điện tử; Công ty cổ phần VNG- hoạt động trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến và bán hàng qua mạng. Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định truy thu thuế 4 DN trên số tiền 81,735 tỷ đồng, trong đó riêng Công ty VNG truy thu 78,147 tỷ đồng. Tại 2 địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi tập trung tỷ lệ DN có website để quảng bá, mua bán các dịch vụ, sản phẩm qua mạng cao nhất trong cả nước, thông qua thanh, kiểm tra, cơ quan Thuế ở 2 địa bàn này đã phát hiện và truy thu hàng chục tỷ đồng của DN kinh doanh TMĐT. Đơn cử như tại địa bàn Hà Nội, cơ quan Thuế đã hoàn thành thanh tra 35 DN kinh doanh TMĐT, kết quả qua thanh tra giảm khấu trừ 1,7 tỷ đồng, giảm lỗ 19 tỷ đồng, tổng truy thu, truy hoàn và phạt là 20 tỷ đồng, bình quân đạt 0,57 tỷ đồng/đơn vị. Tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện chuyên đề thanh tra kinh doanh TMĐT, theo đó đã thanh tra 12/48 DN, với tổng số thuế truy thu và phạt là 5,67 tỷ đồng. Phát hiện không dễ Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ giải pháp công tác thanh tra, kiểm tra thuế năm 2014 được Tổng cục Thuế tổ chức mới đây tại Hà Nội, lãnh đạo Ban Cải cách và hiện đại hoá - Tổng cục Thuế thừa nhận một thực tế là, công tác thanh, kiểm tra TMĐT đòi hỏi những yêu cầu khác với so với thanh tra theo phương thức truyền thống bởi trong thanh tra TMĐT đòi hỏi CBCC thuế phải có trình độ về tin học, ngoại ngữ... Đồng thời, phải có ứng dụng, phần mềm hỗ trợ việc truy lần dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch làm bằng chứng đấu tranh đối với việc che giấu các hành vi vi phạm của người nộp thuế. Đại diện Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị gặp không ít khó khăn khi thực hiện chuyên đề chống gian lận thuế trong lĩnh vực TMĐT. DN kinh doanh TMĐT thuộc diện thanh tra đa số là DN kinh doanh có trang web trên mạng Internet để quảng cáo hàng hóa; khách hàng tìm kiếm hàng hóa trên mạng, gọi điện đặt mua hàng, DN đến giao hàng cho người mua, nếu khách hàng không cần lấy hóa đơn thì các đơn vị bán hàng sẽ không cần xuất hóa đơn. Do đó, các đơn vị này kê khai hóa đơn rất thấp. Trong khi đó, trình độ tin học của cán bộ thuế còn hạn chế nên rất khó khai thác được các khoản doanh thu không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ trong giao dịch mua bán TMĐT trên hệ thống máy chủ của DN hoặc qua mạng Internet. Bên cạnh đó, với phương thức thanh toán trực tuyến rất linh hoạt và đa dạng như: Ví điện tử, thẻ visa cá nhân, hệ thống thanh toán quốc tế payal, các cá nhân, tổ chức có thể thực hiện các giao dịch hoàn toàn qua mạng Internet từ khâu đặt hàng cho đến khâu thanh toán. Nhưng để thu thập thông tin từ ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán là khó bởi cơ chế bảo mật thông tin nên cơ quan Thuế khó kiểm soát và tìm kiếm bằng chứng về các giao dịch TMĐT, đặc biệt là các giao dịch TMĐT qua biên giới, dẫn đến thất thu không nhỏ tiền thuế cho NSNN. Theo Ban Cải cách và hiện đại hóa, hiện có không ít DN có trang web bán hàng trên mạng, khi khách hàng đặt mua hàng đều có danh sách bảng kê đơn đặt hàng nhưng nếu DN biết bị cơ quan Thuế thanh tra sẽ tự động xóa hết danh sách này trên máy vi tính của DN, dẫn tới việc cơ quan Thuế khó xác định được doanh thu chính xác của DN nên hiệu quả của thanh tra TMĐT chưa cao. Trên cơ sở đó, Ban Cải cách và hiện đại hoá đề xuất với Tổng cục Thuế cần nghiên cứu, nhận diện và phân nhóm người nộp thuế thành các loại hình TMĐT điển hình để tập trung nguồn lực quản lý. Trước mắt, chú trọng vào các loại hình TMĐT như: Kinh doanh trò chơi trực tuyến (game online), cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến, sàn giao dịch TMĐT, cung cấp sản phẩm số như: phim, nhạc... để kịp thời chấn chỉnh, răn đe các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh này. Đồng thời, kết hợp các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn giúp cho DN chấp hành chính sách pháp luật thuế. Tổng cục Thuế cần tiến hành tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo trong và ngoài nước. Theo đó, phối hợp với Cục TMĐT - Bộ Công Thương và Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an tổ chức lớp đào tạo kiến thức về TMĐT và kỹ năng tìm kiếm, truy lần dữ liệu. Tăng cường sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như: IMF, OECS, JICA... về đào tạo cán bộ thuế Việt Nam các kỹ năng thanh, kiểm tra thuế đối với hoạt động TMĐT.
Thu Hằng |