213 bến xe được xã hội hóa Tại buổi tọa đàm “Cách nào hiện đại hóa bến xe?” do Báo Giao thông tổ chức ngày 1-4, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết: Hiện cả nước có 478 bến xe, trong đó trên 300 bến đạt tiêu chuẩn từ loại 4 trở lên. Thực hiện chủ trương xã hội hóa, không sử dụng nguồn lực Nhà nước, hiện đã có 213 bến xe được cổ phần hoặc đầu tư bằng vốn tư nhân. Những bến xe này được đầu tư tốt nên chất lượng cũng nâng cao hơn so với các bến xe cũ. “Chẳng hạn như bến xe Trung tâm Lào Cai đã được Công ty Hà Sơn đầu tư tới 140 tỷ đồng để hiện đại hóa. Ở Hà Nội, bến xe Nước Ngầm nhìn vào cũng thấy khác so với bến xe Mỹ Đình. Bến Nước Ngầm dù lưu lượng chưa lớn, nhưng khâu tổ chức tốt hơn rất nhiều”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cũng khẳng định, thực tế cho thấy các bến xe được XHH chất lượng cao, hiện đại và văn minh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng là sự XHH phải mang tính triệt để chứ không thể nửa vời. Kêu gọi XHH đầu tư vào bến xe mà cơ quan Nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng thì hiệu quả sẽ khó đạt như mong đợi. Doanh nghiệp “ngậm ngùi” Ông Trần Minh Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP bến xe Nghệ An đánh giá: Chủ trương XHH bến xe hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn khá điều bất cập trong quá trình triển khai, điển hình là vấn đề quy hoạch bến xe. Ông Thành cho rằng, tình trạng quy hoạch bến xe tại các địa phương còn thiếu ổn định. Có những trường hợp, năm nay quy hoạch trên địa bàn chỉ có 10 bến xe, 2 năm sau lại điều chỉnh lên 12-14 bến, làm lệch những tính toán để thu hồi vốn của nhà đầu tư. Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Viết Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng cho rằng: Quy hoạch hệ thống bến xe hiện nay còn mỗi tỉnh một kiểu. Hệ thống bến xe chưa đáp ứng được dung lượng. Việc nhiều địa phương đưa bến xe ra ngoài quá xa trung tâm khiến chi phí đi lại tốn kém dẫn đến xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc. Xung quanh những bất cập trong việc XHH bến xe, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho biết: Được thành lập từ năm 2005 nhưng cho đến nay, bến xe Nước Ngầm chỉ đạt từ 1/2-1/3 công suất so với thiết kế. Khúc mắc lớn DN đầu tư bến xe đang gặp phải là vấn đề luồng tuyến. Khi đầu tư xây dựng bến xe, quy hoạch luồng tuyến khác, nhưng sau đó, luồng tuyến lại thay đổi khiến DN trở tay không kịp. Bến xe Nước Ngầm thừa chỗ mà ít xe, mấu chốt bởi cơ quan quản lý điều tiết không phù hợp. Sớm hoàn thành quy hoạch luồng tuyến Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, để thúc đẩy XHH bến xe đem lại hiệu quả như mong đợi, điều quan trọng là trong khâu quy hoạch bến xe phải rất cụ thể, không thể là định hướng. Cơ quan chức năng khi đã công bố quy hoạch cần đảm bảo độ ổn định từ 10 -20 năm để nhà đầu tư yên tâm. Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết: Quy hoạch mạng lưới vận tải liên tỉnh hiện Bộ Giao thông vận tải đang giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện, trong quý II-2015 phải hoàn thành, còn quy hoạch mạng lưới vận tải nội tỉnh do địa phương thực hiện. Xung quanh vấn đề phân luồng tuyến, Thứ trưởng Thọ khẳng định, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải khắc phục tồn tại hiện có theo hướng phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN đầu tư. “Bộ Giao thông vận tải đang phấn đấu tháng 6 tới hoàn thành công tác quy hoạch luồng tuyến. Khi quy hoạch được hoàn thành sẽ công khai, thậm chí đấu thầu luồng tuyến chứ không phải cấp phép. Động thái này sẽ góp phần tích cực tháo gỡ những khó khăn mà các bến xe XHH đang gặp phải hiện nay", Thứ trưởng Thọ nói. Ngoài ra, hiện Bộ GTVT cũng đang xây dựng cơ chế chính sách để công cuộc XHH bến xe được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, có nhiều vấn đề cần tính toán để xây dựng phù hợp như: cơ chế về đất đai, thời gian thuê đất như thế nào, 50 năm hay 70 năm; công trình thuê đất, thuế thu nhập DN ra sao; các cơ chế để khuyến khích thu hút nhà đầu tư thế nào... |