Đây là ý kiến của các chuyên gia tại buổi tọa đàm “Vai trò cầu nối của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và hỗ trợ hoạt động của các Ngân hàng thương mại Việt Nam” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức vào ngày 6-10 tại Hà Nội.
Đánh giá về hoạt động của Hiệp hội, theo TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, VNBA đã tích cực hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc thực thi các chính sách tiền tệ, định hướng để dòng vốn tín dụng được phân bổ một cách có hiệu quả, an toàn. VNBA đã làm tốt vai trò là cầu nối, giúp chuyển tải, phản ánh những chính sách mới cũng như khó khăn, vướng mắc của hội viên đến cơ quan chức năng để xử lý, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, hiện có 51 tổ chức tín dụng tham gia vào VNBA, chiếm tỷ lệ khoảng 40% trên tổng số gần 130 tổ chức (trong đó chỉ có 6 tổ chức hội viên là tổ chức tín dụng và ngân hàng liên doanh nước ngoài).
Đây là một tỷ lệ khá khiêm tốn khi tại Singapore, toàn bộ gần 170 tổ chức tín dụng (bao gồm 5 ngân hàng bản địa) đều tham gia Hiệp hội Ngân hàng Singapore (ABS), hay Hiệp hội Ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ (BAT) đã thu hút sự tham gia của 100% các tổ chức tín dụng đang hoạt động tại nước này (trong đó có 20 tổ chức tín dụng nước ngoài).
Nguyên nhân, theo TS. Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký VNBA là do: Hiệp hội vẫn chưa chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh của hội viên, công tác thông tin tuyên truyền vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, việc cập nhật những vướng mắc của hội viên đến cơ quan Nhà nước còn hạn chế…
Chính vì vậy các chuyên gia từ Viện chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, để nâng cao hiệu quả của hoạt động trong chiến lược dài hạn, VNBA cần tái cơ cấu mô hình tổ chức và quy mô hoạt động. Ngoài ra, Hiệp hội cần có các bộ phận chuyên trách, liên kết chặt chẽ với nhau dưới hình thức Ủy ban, nhóm, tổ hay hiệp hội theo từng lĩnh vực hoạt động.