Luôn bám sát thực tiễn Thời gian qua, chính quyền các cấp đang nỗ lực cụ thể văn bản của Trung ương và NQ 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong guồng quay đó, các hoạt động của HĐND tỉnh đã bám sát thực tiễn của địa phương. Thường trực HĐND tỉnh cho biết, các ban HĐND tỉnh đã chủ động tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh đã thông qua nhiều NQ quan trọng để kịp thời hoàn thiện các chính sách, hồ sơ, đề án cho thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai. Điển hình như tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 16 và 17, HĐND tỉnh ban hành các NQ rất quan trọng. Đó là NQ 31/NQ-HĐND ngày 13/3/2024 về thông qua Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I; NQ 21/NQ-HĐND ngày 13/3/2024 về Chương trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; NQ số 39/NQ-HĐND ngày 14/5/2024 về việc tán thành chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế; NQ số 40/NQ-HĐND ngày 14/5/2024 về việc thông qua Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô thị loại IV. Các NQ trên là cơ sở pháp lý, hoàn thiện thủ tục trình Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ thẩm định, phê duyệt hồ sơ Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I và báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực dự kiến thành lập quận, phường; đảm bảo điều kiện trình Quốc hội quyết định việc thành lập thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương. Hiện nay, tỉnh đã hoàn thiện các đề án, hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Không chỉ bám sát các vấn đề lớn, hệ trọng của tỉnh, các chế độ chính sách cho lực lượng ở cơ sở; bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn, điều chỉnh các chủ trương đầu tư để kịp thởi triển khai và hoàn thiện giải ngân các nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch... được cụ thể hóa bằng các NQ, kịp thời thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý để các cấp, các ngành triển khai thực hiện và tăng cường quản lý nhà nước trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Ái Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chia sẻ, 6 tháng đầu năm, HĐND tỉnh đã ban hành số lượng NQ lớn, điều đó cho thấy chuyển động của HĐND tỉnh luôn bám sát với thực tiễn đời sống. Mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua NQ về quy định tiêu chí thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT); tiêu chí về số lượng thành viên tổ bảo vệ ANTT và một số chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Việc thông qua NQ đã tạo hành lang pháp lý là cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ sau khi lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được thành lập. Chú trọng giám sát, khảo sát Theo Thường trực HĐND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động giám sát, khảo sát được tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng; Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh đã triển khai chương trình giám sát, khảo sát đúng trọng tâm, trọng điểm và là những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm… TP. Huế là địa bàn trọng điểm về ma túy của tỉnh, chiếm trên 70% số đối tượng nghiện ma túy và số vụ phạm pháp về ma túy của toàn tỉnh. Từ năm 2021-2023, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ giữa công tác phòng ngừa và đấu tranh “chặn cung, giảm cầu”, giảm thiệt hại ma túy đến cộng đồng, không để hình thành các điểm sản xuất trái phép chất ma túy; không để phát sinh tụ điểm phức tạp về ma túy; tham mưu tổ chức chuyển hóa thành công các địa bàn phức tạp về ma túy. Không chỉ TP. Huế, ở các địa phương, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng chống ma túy còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình người nghiện ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, tội phạm ma túy ngày càng manh động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng mạng xã hội để hoạt động trao đổi và giao dịch; trên thị trường xuất hiện nhiều loại ma túy, chất gây nghiện mới gây khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý. Công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hiệu quả chưa cao; chưa có cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể, gia đình người cai nghiện vẫn còn nhiều hạn chế. Nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy chưa đáp ứng được nhu cầu... Thực hiện NQ số 115/NQ-HĐND ngày 7/12/2023 của HĐND tỉnh về việc thành lập Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã tổ chức Đoàn giám sát về “Tình hình chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến năm 2023”.
Từ cuộc giám sát cho thấy, công tác phòng, chống ma túy gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy chưa đảm bảo với tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy đã tác động lớn đến hiệu quả trong công tác đấu tranh. Ngoài ra, công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa được triển khai thực hiện hiệu quả, khó mang lại hiệu quả trong thực tiễn, chưa góp phần giảm tải cho cơ sở cai nghiện bắt buộc; công tác tái hòa nhập cộng đồng chưa được các cấp, các ngành thực sự chú trọng, các chính sách hỗ trợ, xây dựng mô hình tốt giúp đỡ người sau cai nghiện cho người nghiện, người phạm tội về ma túy sau khi chấp hành án trở về địa phương rất hạn chế và hầu như không có. Bà nguyễn Thị Ái Vân cho biết, qua giám sát, đoàn giám sát đã ghi nhận sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình hình tội phạm về ma túy trong thời gian đến sẽ phức tạp, khó khăn hơn cần phải có sự vào cuộc của các các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân. Ngoài công tác phòng, chống ma túy, Thường trực HĐND tỉnh cũng hoàn thành 2 cuộc khảo sát về tình hình triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; danh mục các công trình, dự án thu hồi đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh năm 2024 (đợt 1). Các ban HĐND tỉnh đã tiến hành các hoạt động giám sát, khảo sát, tập trung vào những vấn đề được dư luận, cử tri, Nhân dân quan tâm, như: Giám sát việc chấp hành pháp luật về khám, chữa bệnh cho Nhân dân ở tuyến y tế cơ sở (phòng khám đa khoa khu vực) trên địa bàn tỉnh; khảo sát tình hình, kết quả thực hiện NQ số 15/2017/NQ-HĐND ngày 31/3/2017 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Thường trực HĐND tỉnh cho biết, trong 6 tháng cuối năm, HĐND tỉnh sẽ triển khai chương trình giám sát về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (từ 2021-2023); ngoài ra, sẽ triển khai nội dung giám sát của các Ban HĐND tỉnh. |