Trong biểu lãi suất dành cho khách hàng cá nhân mới nhất, lãi suất tiền gửi tài khoản thanh toán (tiền gửi không kỳ hạn) của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã tăng tối đa lên 1%/năm áp dụng cho gói tài khoản OCB - Invest & OCB – Invest Pro. Tương tự, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã gửi thông báo điều chỉnh lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng cá nhân lên 1%/năm từ đầu tháng 11/2022, tăng gấp 33 lần so với mức cũ, không giới hạn số tiền tối thiểu, áp dụng cho tất cả tài khoản thanh toán bằng VND của khách hàng cá nhân. Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank), lãi suất tài khoản thanh toán với số dư 20 triệu đồng trở xuống là 0,3%/năm, trên 20 triệu đến 100 triệu đồng là 0,5%/năm và trên 100 triệu đồng là 1%/năm. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 1%/năm dành cho tiểu thương. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác như VPBank, Kienlongbank, BacABank, NamABank, SCB, NCB, SeABank, SHB, ACB, MSB… cũng đã niêm yết lãi suất không kỳ hạn ở mức kịch trần 1%/năm.
Đại diện một ngân hàng thương mại cho biết, việc tăng huy động lãi suất không kỳ hạn không phải do thiếu hụt tính thanh khoản, ngân hàng vẫn còn lượng tiền khá lớn để ổn định nguồn vốn. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ngoài áp dụng cho số dư trên tài khoản thanh toán, hiện còn được áp dụng cho các khoản tiền gửi tiết kiệm rút một phần trước hạn. Do đó, lãi suất loại tiền gửi này tăng mạnh sẽ có lợi cho cả người gửi tiền có kỳ hạn lẫn không kỳ hạn, đồng thời cũng giúp ngân hàng hút tiền gửi ở các kỳ hạn khác. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân tại các tổ chức tín dụng đã giảm còn 979.115 tỷ đồng trong quý 2/2022 so với mức đỉnh hơn 1 triệu tỷ đồng vào cuối quý 1/2022. Trước đó, số dư tiền gửi thanh toán cá nhân đã có 8 quý liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng dương. Đà tăng của tiền gửi thanh toán được các chuyên gia đánh giá là kết quả của việc các ngân hàng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, chương trình miễn phí chuyển khoản… giúp tạo thuận lợi cho người dân trong thanh toán, sử dụng ngân hàng điện tử. Tuy nhiên, trước nhu cầu phục hồi kinh tế hậu Covid-19, tài chính của khách hàng đã được chuyển về hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Hơn nữa, hiện lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức rất cao. Mức lãi suất cao nhất dao động từ 8-9,3%/năm, cao hơn khoảng 2% so với đầu năm. Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã cao hơn vùng trước Covid-19, với mức tăng trung bình 300-400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021. Do đó, trong 7 tháng đầu năm 2022, số dư tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng đã tăng ròng hơn 328.500 tỷ đồng, cao hơn gần gấp đôi so với mức tăng trong cả năm 2021 trước đó. Nên theo các chuyên gia, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn VND không kỳ hạn là hoàn toàn bình thường, không vi phạm các quy định về trần lãi suất trong trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao, tuy vậy, các ngân hàng có thể đối mặt với chi phí tăng cao và thanh khoản chỉ đảm bảo trong ngắn hạn. |