Những cô gái thanh tân trong độ tuổi thanh xuân mơn mởn mười tám đôi mươi bước vào một cuộc thi với ước mơ đổi đời, được đội chiếc vương miện quyền năng và có được ánh nhìn ngưỡng mộ của đám đông, đó là ước mơ chính đáng. Thế nhưng, cũng có thể vì họ quá trẻ nên chưa chuẩn bị hết được những gì sẽ đối mặt trong một cuộc thi mà dù đoạt hay không ngôi vị cao nhất thì cuộc đời họ cũng sang trang.
Tân Hoa hậu Biểntrả lời phỏng vấn một tờ báo sau khi đăng quang như sau:
- Một con người đẹp thôi chưa đủ, còn thu hút người khác từ nét cá tính của riêng mình. Còn chị thì sao? - Tôi học mỹ thuật nên có cá tính rất mạnh. Tôi nghĩ ai cũng có những nét đặc biệt riêng mà mọi người tiếp xúc lâu sẽ biết. |
Vâng, khoa học cũng như các cuộc nghiên cứu từng có của nhân loại, theo người viết được biết, chưa từng có kết quả nào cho thấy việc học mỹ thuật sẽ liên quan đến “cá tính mạnh”. Mà “cá tính mạnh” là gì? Sự khác nhau giữa “cá tính mạnh” và “cá tính yếu” như thế nào liệu Hoa hậu có biết?
Đấy, hoa hậu cứ phải trả lời ngô nghê như vậy thì mới đáng yêu, mới đáng để người khác quan tâm, bảo bọc và thấy được vẻ đẹp… mong manh, yếu đuối.
Dân mình thì cho rằng cứ cô nào trả lời hay sẽ đoạt hoa hậu, chuyện đó sai, sai nặng. Nói về thực tế thì top 5 đã được chọn ra từ trước để đêm chung kết bước vào vài phần thi quan trọng. Phần ứng xử được cộng thêm điểm nhưng không thể là mấu chốt để cô gái đó đăng quang. Hơn nữa, hoa hậu thông minh quá cũng không ổn! Thông minh quá lấy ai định hướng, cãi BTC thì sao? Không, tuyệt đối không được, phải CHƯA thông minh cũng như CHƯA đẹp hết cỡ mới đúng chuẩn hoa hậu Việt.
Không tin, bạn đọc cứ tìm đọc lại tài liệu về các cuộc thi hoa hậu trong lịch sử Việt Nam xem sao? Chắc chắn với bạn đọc rằng đa phần hoa hậu đều trả lời không mấy xuất sắc lúc đăng quang. Nhưng sau đó thì sao, chỉ 1 năm thôi, bão dư luận ập tới cộng thêm được nhào nặn, “tôi luyện”, các cô hoa hậu trả lời không khác gì mở sách giáo khoa ra đọc.
À thì cũng đúng thôi vì dân tộc này nhiều tiến sĩ quá mà! Ai cũng mong người đại diện phải toàn năng, toàn tài và nói chuyện như… học giả. Yêu cầu thì cao nhưng thí sinh đi thi thì chỉ cần bước chân ra sân khấu với hàng ngàn khán giả phía dưới là đã “hồn xiêu phách lạc” rồi thì lấy đâu ra chuyện diễn thuyết.
Lúc đó thì thay vì “nói như lên đồng” sẽ là “nói như mê sảng”!
Cho đến chừng nào những cuộc thi hoa hậu vẫn còn những câu hỏi dạng như “Bạn nghĩ sao về quan niệm “Tam tòng tứ đức””(Nếu thí sinh trả lời: Nếu “Thê” và “Phu” ly hôn nhau trước khi “Phu tử” thì sao ạ?)hoặc “Bạn nghĩ gì về câu “Cái nết đánh chết cái đẹp”(Nếu thí sinh hỏi lại: Cái Đẹp có tội gì đâu mà cái Nết phải đánh chết ạ?) thì không biết BGK và BTC trả lời như thế nào? Chắc chắn cô đó trượt ngôi Hậu.
Và, chừng nào các cô gái đến với các cuộc thi với tiêu chí trả lời là: “Em đến để tham gia học hỏi, trải nghiệm và trau dồi nhằm hoàn thiện bản thân hơn”. Trần đời này lấy ai hoàn thiện, đến Thánh nhân cũng chưa có ai dám vỗ ngực nói chuyện tôi hoàn thiện chứ đừng nói gì mấy cô gái đang tuổi dậy thì. Giả thử có cô gái nói rằng: “Em đi thi vì em đẹp và đây là cuộc thi tôn vinh cái đẹp” không biết có được giải không nhỉ? Chắc là không! Gái Việt không được tự tin quá đà, không được kiêu hãnh, không được ý thức bản thân đẹp, và phải thuộc nằm lòng câu: “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ!”.
Vậy đó, chừng nào BGK, BTC còn giữ vững tiêu chí với sự mô phạm học thuật bền bỉ thì chừng đó Hoa hậu Việt còn ngô nghê và ấp úng là giá trị lớn nhất được tôn vinh ở phần thi ứng xử.