PV: Vừa qua Tổng cục Thuế đã tổ chức tập huấn về Nghị quyết số 94/2019/QH14 và Thông tư số 69/2020/TT- BTC về xử lý nợ thuế. Sau buổi tập huấn,âuSẵnsàngthựchiệnkhoanhnợxóanợthuếtheoNghịquyếkqbd mls Cục Thuế tỉnh Lai Châu đã triển khai công tác này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Chiến: Sau buổi tập huấn của Tổng cục Thuế về việc triển khai Nghị quyết số 94/2019/QH14 và Thông tư số 69/2020/TT-BTC về xử lý nợ thuế, Cục Thuế Lai Châu đã ban hành Quyết định số 216/QĐ-CT ngày 26/3/2020 về việc thành lập ban chỉ đạo, tổ thường trực giúp việc triển khai Nghị quyết số 94/2019/QH14 cũng như các văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện.
Bên cạnh đó, Cục Thuế Lai Châu đã triển khai đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế quý III năm 2020 và yêu cầu chi cục thuế các khu vực thực hiện rà soát, phân loại nợ theo từng địa bàn, từng đối tượng được xử lý nợ đảm bảo chính xác. Đồng thời, yêu cầu các chi cục thuế phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan để kiểm tra, xác nhận, xác minh thông tin người nộp thuế và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của cục danh sách người nộp thuế được xử lý nợ thuế.
Ngoài ra, Cục Thuế Lai Châu cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tiếp tục tập trung kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ nợ khó thu và thực hiện phân loại nợ khó thu theo đúng đối tượng được xử lý nợ theo quy định.
PV: Để việc khoanh nợ, xóa nợ đúng đối tượng, tránh thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN), Cục Thuế tỉnh Lai Châu đã xây dựng phương án rà soát, xác định đối tượng như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Chiến |
Ông Nguyễn Mạnh Chiến: Để tránh việc người nộp thuế lợi dụng chính sách để trục lợi, gây thất thoát NSNN, Cục Thuế Lai Châu đã phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn lập biên bản xác nhận tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh đó Cục Thuế tỉnh Lai Châu đã gửi văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin về người nộp thuế có quyết định giải thể; các quyết định hoặc thông báo về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh. Phối hợp với cơ quan công an thực hiện rà soát, xác minh hồ sơ người nộp thuế đã chết, bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc đi khỏi nơi cư trú; xác minh thông tin người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đăng ký với cơ quan thuế.
Đáng chú ý là Cục Thuế Lai Châu đã gửi văn bản đề nghị ngân hàng, tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài khoản, biến động số dư tài khoản của người nộp thuế…
Từ các cách làm này, Cục Thuế Lai Châu đã lập hồ sơ xử lý nợ, phân loại nợ đảm bảo đúng đối tượng, trình tự, thủ tục.
PV: Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, việc khoanh nợ, xóa nợ tập trung vào lĩnh vực nào là chủ yếu? Xin ông cho biết nguyên nhân vì sao các khoản nợ này lại kéo dài?
Ông Nguyễn Mạnh Chiến:Việc khoanh nợ, xóa nợ trên địa bàn chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản. Đây là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tình hình tài chính yếu kém, vay nợ nhiều… Do đó, khi nhà nước thắt chặt chi tiêu công, các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán dẫn đến phá sản.
PV: Vậy sau khi rà soát, số tiền được khoanh nợ, xóa nợ là bao nhiêu, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Chiến:Sau khi thực hiện rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có 249 doanh nghiệp thuộc diện được khoanh nợ, xóa nợ với số tiền trên 80 tỷ đồng. Trong đó có trên 53 tỷ đồng là tiền khoanh nợ thuế và trên 27 tỷ đồng là tiền chậm nộp tiền phạt, tiền chậm nộp được xóa nợ.
PV: Với việc khoanh nợ, xóa nợ này sẽ giúp gì cho công tác quản lý thuế của cơ quan thuế trên địa bàn cũng như các đối tượng được khoanh nợ, xóa nợ thuế, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Chiến: Việc khoanh nợ, xóa nợ thuế theo Nghị quyết 94/2019/QH14 thể hiện ý nghĩa nhân văn của chính sách quản lý nhà nước nói chung và pháp luật thuế nói riêng, giúp doanh nghiệp phục hồi, tái tạo phát triển sản xuất kinh doanh.
Đối với cơ quan quản lý thuế, việc khoanh nợ, xóa nợ thuế với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước đã giúp cơ quan thuế giảm bớt thời gian theo dõi, quản lý những khoản nợ không có khả năng thu hồi. Từ đó, tạo điều kiện cho việc quản lý thuế được rõ ràng, minh bạch hơn, phản ánh đúng thực chất, tình trạng nợ thuế của người nộp thuế.
PV: Xin cảm ơn ông!
Vân Hà (thực hiện)