Nghị quyết nêu rõ: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, chung sức đồng lòng nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường.
Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, Kết luận số 12-KL/TW ngày 06-4-2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Luật Phòng, chống tham nhũng, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Tham nhũng, tiêu cực còn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực thực thi pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, bất cập; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực chưa đủ sức răn đe; tổ chức bộ máy còn chồng chéo, chưa tinh gọn, hoạt động chưa hiệu quả; một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; sự tham gia của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham nhũng sẽ diễn biến phức tạp, tinh vi. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Kế thừa những thành tựu đã đạt được và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030.
Chiến lược đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tích cực tham gia, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Trong đó, rà soát, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước các cấp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp quản lý đảm bảo minh bạch và trách nhiệm cao, có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hiệu quả…