(CMO) Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Huy cho biết, kinh phí phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm năm 2018 bị cắt giảm hơn 3 tỷ đồng so với năm 2017, từ đó công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều hạn chế. Đặc biệt, việc lấy mẫu xét nghiệm giám sát sự lưu hành của vi-rút trên gia cầm sống bán tại các chợ không thể thực hiện được thường xuyên như các năm trước đây, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh sẽ rất cao.
Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tranh thủ phối hợp với các dự án của Tổ chức Nông nghiệp - Lương thực của Liên hiệp quốc (FAO) và Cục Thú y chuyển sang giám sát chuỗi nhưng rất hạn chế về số lượng mẫu.
Do cắt giảm kinh phí, công tác lấy mẫu xét nghiệm vi-rút cúm gia cầm ngoài môi trường tự nhiên gặp nhiều khó khăn. |
"Bên cạnh công tác giám sát, công tác tuyên truyền cũng gặp không ít khó khăn, phải tuyên truyền suông", ông Huy cho biết.
Việc lấy mẫu xét nghiệm giám sát sự lưu hành vi-rút cúm gia cầm tại các chợ có buôn bán gia cầm sống đóng vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh, giúp ngành thú y theo dõi, phát hiện kịp thời sự lưu hành của vi-rút ngoài môi trường tự nhiên, đề ra kế hoạch phòng chống. Đặc biệt, việc phun thuốc tiêu độc khử trùng định kỳ 4 lần/năm đối với các địa phương nơi xảy ra ổ dịch cũ những năm trước đây và các chợ có buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm, từ đó vi-rút cúm không đủ mạnh để phát triển thành dịch bệnh.
Ông Nguyễn Thành Huy khẳng định, chính vì thực hiện tốt công tác này, gần 2 năm qua trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra ổ dịch cúm gia cầm.
Theo nhận định của ông Nguyễn Thành Huy, mầm bệnh cúm gia cầm vẫn còn tồn tại, dịch bệnh lở mồm long móng và dịch heo tai xanh thì không còn trên địa bàn toàn tỉnh. Trong 4 ổ dịch heo tai xanh và lở mồm long móng xảy ra ở 4 xã và 1 thị trấn thuộc 3 huyện: Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018, do mầm bệnh lây truyền từ đàn heo nhập tỉnh về để giết mổ mang mầm bệnh lây lan sang đàn heo các hộ nuôi lân cận.
Ông Huy cho biết, thời gian ủ bệnh của gia súc, gia cầm từ 5-7 ngày đầu không có triệu chứng lâm sàng biểu hiện ra bên ngoài, do vậy nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tái bùng phát vẫn tiềm ẩn./.
Trúc Ly